Ngày 4/4, Australia đã trở thành nước tiếp theo cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok khỏi các thiết bị của Chính phủ liên bang.
Tổng chưởng lý Mark Dreyfus cho biết, lệnh cấm được dựa trên lời khuyên của các cơ quan an ninh và sẽ có hiệu lực “ngay khi có thể”.
TikTok thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc Bytedance và từ lâu đã khẳng định họ không chia sẻ dữ liệu với chính phủ. Công ty này cũng bác bỏ những cáo buộc, họ thu thập dữ liệu người dùng nhiều hơn các công ty truyền thông xã hội khác và khẳng định, TikTok được điều hành độc lập bởi ban quản lý của Bytedance.
Ba tổ chức chính của EU (gồm Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng EU) cũng đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên. Theo lệnh cấm của Nghị viện châu Âu có hiệu lực vào tháng trước, các nhà lập pháp và nhân viên cũng được khuyên nên xóa ứng dụng TikTok khỏi thiết bị cá nhân của họ.
Trước đó, năm 2020, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm trên toàn quốc đối với TikTok cùng với hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat, do lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật
Vào đầu tháng 3, Mỹ đã cho các cơ quan chính phủ 30 ngày để xóa TikTok khỏi các thiết bị và hệ thống liên bang. Lệnh cấm chỉ áp dụng cho các thiết bị của chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp Mỹ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn.
Hơn một nửa trong số 50 tiểu bang cũng như Quốc hội và lực lượng vũ trang Mỹ đã cấm ứng dụng này.