UBTVQH đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

Mai Thoa| 23/03/2022 15:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 23/3, sau khi thảo luận, UBTVQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

Trước đó, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: trước tình hình thế giới có nhiều biến động, dự báo về diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới năm 2022, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhiều tổ chức quốc tế đều cho rằng, nhu cầu xăng dầu thế giới có khả năng sẽ tiếp tục tăng.

anh-phoc.jpg

Cùng với diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tại Việt Nam trong năm 2021 cũng đã có 24 đợt điều chỉnh. Trong đó, giá bán lẻ xăng đã có 16 lần tăng, 5 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Giá dầu diesel có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Bước sang năm 2022, việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh tăng 6 lần và đã vượt đỉnh lịch sử, xác lập kỷ lục mới tại kỳ điều chỉnh ngày 11/3/2021, trong đó giá xăng E5RON92 là 28.980 đồng/lít, tăng so với kỳ điều chỉnh đầu tiên của năm 2022.

Theo dự báo của Bộ Công thương, giá bình quân các mặt hàng xăng, dầu sẽ tăng so với cùng kỳ năm trước. Việc giá dầu thô thế giới cũng như giá xăng dầu thành phẩm tăng cao sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trong đó có chi phí xăng dầu; ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tạo áp lực lên lạm phát, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch Covid-19.

Nguồn sản xuất trong nước chiếm từ 70 - 75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước (trong đó 35% - 40% từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, 35% từ Nhà máy lọc dầu Bình Sơn). Tuy nhiên, thời gian gần đây, do khó khăn về tài chính và sự cố kỹ thuật nên Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không thể cung ứng xăng dầu ra thị trường theo như sản lượng đã cam kết, gây thiếu hụt nguồn cung từ sản xuất trong nước. Vì vậy, nguồn cung cho thị trường trong nước trong tháng 3 và Quý II/2022 dự kiến phải tăng thêm từ nguồn nhập khẩu.

Bộ trưởng tài chính cũng cho biết, căn cứ các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế BVMT, sau khi tính toán trên cơ sở khả năng cân đối NSNN, Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1.000 đến 2.000 đ/1 lít tùy loại.

Cụ thể: Xăng, trừ etanol mức thuế 2.000đ/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn mức thuế 1.000đ/lít (giảm 50% so với các mức thuế hiện hành); Dầu hỏa mức thuế 300đ/lít (giảm 70% so với mức thuế hiện hành).

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, đa số các ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất với các mức giảm thuế theo đề xuất như trên. Bởi vì việc giảm thuế là chính sách hỗ trợ, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh vừa phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, vừa bị ảnh hưởng bởi biến động trên thị trường thế giới hiện nay, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu