Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 19/8/2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD, đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 19/8/2015, từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD, đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, việc nâng biên độ lần này vẫn chưa có ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1% tỷ giá. Ảnh minh họa
Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay, chủ yếu sản xuất gia công để phục vụ xuất khẩu nên việc tăng tỷ giá sẽ có lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất khẩu. Theo đó, khi tăng tỷ giá, giá nguyên liệu đầu vào sẽ bị ảnh hưởng nhưng với đặc thù là mặt hàng dệt may thì sau khi gia công xong doanh nghiệp lại xuất khẩu và thu được ngoại tệ sau đó đổi lại thành tiền Việt Nam. Chính vì vậy, doanh nghiệp dệt may sẽ không bị ảnh hưởng gì khi NHNN tăng tỷ giá. Có chăng, việc tăng tỷ giá chỉ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên vật liệu cho ngành may như nhập bông để sản xuất sơ sợi vải; nhập hóa chất để nhuộm màu… vì nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp hiện đã có các hợp đồng từ trước với giá đã thỏa thuận ngay từ đầu năm nên cơ bản đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào phản ảnh về việc tăng tỷ giá tác động đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến của bà Đặng Phương Dung về việc nâng tỷ giá không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc điều hành Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, hiện nay Hapro đang thực hiện xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang các khu vực thị trường truyền thống như Nga, Belarut và các nước Trung Đông, đồng thời tìm kiếm các cơ hội thương mại tại các khu vực thị trường mới như châu Phi, Mỹ La Tinh, Tây Nam Á... Các mặt hàng trọng tâm cho xuất khẩu của Tổng công ty là hạt tiêu, hạt điều, gạo, thủ công mỹ nghệ. Việc tăng tỷ giá này sẽ có lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất khẩu vì doanh nghiệp thu về tiền USD và thu mua hàng nông sản trong nước để chế biến, xuất khẩu lại mua bằng VND. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp nhập khẩu các các mặt hàng tiêu dùng để tiêu thụ trong nước tại các hệ thống siêu thị sẽ không có lợi. Nhưng với Hapro, các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa đã được ký kết ngay từ đầu năm nên doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng gì. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động nguồn hàng trong nước nên lượng hàng nhập khẩu về cũng không nhiều và cũng không sử dụng tiền USD mà chỉ sử dụng VND.
Việc nâng biên độ tỷ giá của NHNN cũng chưa tác động đến các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ. Với ngành thuỷ sản, xuất khẩu từ đầu năm đến nay giảm mạnh và hiện nay các nước như Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang có các điều hành kinh tế bằng việc giảm lãi suất vay ngắn hạn hay điều chỉnh tỷ giá ngân hàng để thúc đẩy xuất khẩu và tăng cạnh tranh với doanh nghiệp xuất khẩu. Điều đó ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu trong nước. Việc NHNN có những điều chỉnh vĩ mô, cụ thể là điều chỉnh tỷ giá lên thêm 1%, Hiệp hội và các doanh nghiệp thủy sản đánh giá cao sự điều chỉnh này vì rất kịp thời. Mức điều chỉnh này cũng đã có những hỗ trợ nhất định, tuy nhiên vẫn còn thấp, chưa đủ để tạo được tác động rõ rệt tới ngành thuỷ sản.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi với những doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may, nông sản, thủy sản, việc nâng biên độ tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành thép. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, việc nâng tỷ giá vừa qua là hành động kịp thời để ứng phó với việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Về mặt tích cực, việc này có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, làm tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhưng ở chiều nhập khẩu thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn vì việc này sẽ làm cho doanh nghiệp thiệt thòi hơn khi quy đổi từ tiền VND sang tiền USD để thanh toán.
Riêng với ngành thép, hiện nay mỗi năm kim ngạch nhập khẩu khoảng hơn 9 tỷ USD và vẫn đang là nhập siêu. Tính 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng thép nhập khẩu đạt hơn 6,9 triệu tấn, với kim ngạch hơn 3,82 tỷ USD. Trong khi đó, chiều xuất khẩu chỉ đạt hơn 1,2 triệu tấn với kim ngạch đạt hơn 873 nghìn USD. Như vậy, trong bối cảnh nhập nhiều hơn xuất thì việc điều chỉnh tỷ giá là không tốt lắm cho ngành.
“Trong quá trình điều chỉnh tỷ giá, NHNN đã xem xét, tính toán ở nhiều ngành nghề và đánh giá tác động tổng thể, nhưng theo tôi đối với ngành thép thì mức điều chỉnh 1% này là hợp lý. Vì nếu tăng quá cao thì sẽ rất bất lợi cho những doanh nghiệp nhập khẩu”, ông Nguyễn Văn Sưa cho biết.