Tình trạng hỗn loạn, rối ren những năm 60 của thế kỷ trước, đã khiến vùng đất Tây Nam bộ đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt với những hoàn cảnh khác nhau.
Dù là kẻ sống kiếp giang hồ tứ chiếng hay là người vang danh trên con đường cứu nước thì tựu trung lại họ cũng đều lưu danh với những tuyệt kỹ võ công và sống trọn một đời hào hùng đúng nghĩa.
Những năm 30 của thế kỷ trước, Sáu Cường khuynh đảo giới giang hồ, đập tan sự khinh khi miệt thị của “mẫu quốc” về những con người Việt Nam da vàng yếu đuối. Bản lĩnh của một hảo hán yên hùng, tuyệt kỹ võ công bí hiểm, Sáu Cường khẳng định tên tuổi bằng những trận đấu võ đài oai hùng, “xóa sổ” nhiều võ sĩ, võ sư Tây, Tàu khắc ghi vào lịch sử hình ảnh một tay đấm bất khả chiến bại.
Tay đấm “không rành bái tổ”
Nhắc đến Sáu Cường, những người am tường võ thuật đất Nam bộ không thể không nhắc đến bộ cước pháp thiên biến vạn hóa, sức địch quần hùng của ông. Tuy nhiên, câu chuyện tầm sư học đạo của con người này lại vô cùng bí hiểm. Những tư liệu còn sót lại được nhà văn Đặng Tấn Đức ghi chép trong tác phẩm “Đất lành” cho biết: Sáu Cường tên thật Nguyễn Phước Cường người huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Sinh thời, ông chịu nhiều mất mát. Lên 10, ông đã mồ côi cha mẹ phải đi ở đợ cho người chú họ.
Để có được chén cơm nguội, năm 14 tuổi Cường đã phải ra đường gánh nước thuê. Lớn hơn một chút, Sáu Cường chuyển sang chèo đò thuê từ Cầu Quan băng qua sông cái đến Đại Ngãi. Không “bòn” đủ tiền nộp thuế thân, Sáu Cường phải sống chuỗi ngày chui rúc. Kiếp “trốn xâu lâu thuế” khiến Sáu Cường luôn bị quan làng hiếp đáp. Sự tủi nhục của một thằng dân đen và thân phận thấp kém luôn bị chà đạp đã khiến Sáu Cường quyết tâm theo đuổi nghề võ để tiến thân.
Ông Tư Trinh (78 tuổi, ngụ ấp Chợ, xã Tân An, huyện Tiểu Cần), một trong những đệ tử còn sót lại của “thần cước” kể: “Cho đến nay, tôi cũng không biết tung tích môn phái mình, con đường võ học của ông Sáu Cường rất lạ. Không ai biết ông theo học môn phái nào. Sinh thời, ông cũng không một lần nhắc đến người đã truyền thụ võ nghệ cho mình. Ông thông thạo mọi thủ pháp nhưng mạnh nhất cước pháp. Nhiều người tin rằng ông chỉ học lỏm từ những danh sư cùng thời”.
Minh chứng cho việc Sáu Cường không được đào tạo võ nghệ một cách bài bản là việc ông không hề biết cách bái tổ. Song, trong tác phẩm của mình, nhà văn Đặng Tấn Đức ghi nhận Sáu Cường có thầy dạy hẳn hoi. Một trong số đó có võ sư Hai Ngàn, cao thủ trong nhóm Kèo xanh kèo vàng (Băng phái giang hồ trước năm 1945 tại tỉnh Trà Vinh - PV). Tuy nhiên, chỉ được vài tháng, thầy Hai Ngàn rời đi. Mến, tiếc cho một kỳ tài võ học như Sáu Cường, ông giới thiệu học trò đến học loại võ bí truyền với một người phụ nữ bí ẩn ở tỉnh Bến Tre. Thế nhưng, tác giả cũng khẳng định, những thông tin này chưa được kiểm chứng. Con đường tầm sư, luyện võ của “thần cước” vẫn luôn bí ẩn.
Chân dung “Thần cước Sáu Cường”.
Tuyệt thế thần cước và trận đấu đầu đời
Ông Tư Trinh kể: “Chuyện về cách học võ của ông, chúng tôi không rõ nhưng bộ cước pháp uy lực thì ai cũng biết. Cho đến nay, tôi có thể nói bộ cước pháp ấy đã thất truyền. Tôi cũng từng bỏ sức ra luyện nhưng chẳng đến đâu. Muốn học được bộ pháp ấy phải luyện thành thục bộ mằn (thân pháp – PV) đặc dị nữa. Nếu cước pháp cương thì bộ mằn nhu. Cước pháp đã tung ra thiên biến vạn hóa vô cùng, lấy sức mạnh bạt sơn áp đảo đối thủ. Ngược lại, bộ mằn khiến thân pháp nhẹ nhàng, uyển chuyển, không chỉ trụ vững để tung cước mà còn giúp ta nhập nội một cách bất thần”.
Để luyện thành công bộ thần cước có sức địch quần hùng ấy, Sáu Cường có một chế độ luyện tập khác người. Sau những giờ gánh nước thuê, chèo đò thuê trở về, ông lại lao vào ruộng chuối, đá rạp cả những thân chuối to. Cứ như vậy, ông hết đá chuối lại đá sang người rơm. Ông cho rơm ngâm nước với một dung dịch bí mật khiến cọng rơm cứng, chắc, dai như sợi thừng. Thế nhưng, những người rơm cũng không chịu nổi chục cú đá của ông.
Theo ông Tư Trinh, ngoài bộ cước pháp ông còn một tuyệt kỹ khác là “bộ mằn”. Bộ mằn rất đặc dị. Khi thi triển, hai chân trùng xuống thật thấp như xà tấn, hai tay đưa thẳng về phía trước. Những ngón tay co, duỗi như hổ trảo, long trảo. Đặc biệt, khi thi triển, người thực hiện chỉ đi bằng những đầu ngón chân cái, đi là là sát dưới mặt đất. Trông vẻ mỏng manh nhưng vô cùng uy lực và đặc biệt hữu dụng khi nhập nội. Tương truyền, để luyện thành công bộ pháp này, Sáu Cường đã trồng các cọc tre to trên ruộng, dưới cắm chông vót bằng cật tre nhọn và tập các bài quyền trên những cọc tre ấy.
Những chi tiết trên khiến những bậc võ sư cùng thời tin rằng, Sáu Cường còn có cả những tuyệt kỹ bí truyền. Ông Tư Trinh phân tích: “Bộ cước pháp uy lực của thầy lúc có dáng dấp của 108 cước pháp Thiếu Lâm nhưng lại gọn gàng, thực dụng hơn. Lúc khác lại như các đòn của võ cổ truyền của nước ta,… Thêm nữa, kết hợp bộ cước ấy với bộ mằn thì hết sức lạ và không thể đoán ra thuộc môn phái nào. Thế nên, nhiều người gọi đùa ông là võ sư dạy “võ rừng”.
Những năm loạn ly, các võ sư, người thông thạo võ thuật đều được những phú ông, địa chủ thuê về bảo vệ nhà cửa, khẳng định vị thế, lấy uy với thiên hạ. Những năm 60, huyện Tiểu Cần nổi lên địa chủ Bảy Thoại rất chuộng võ học. Bảy Thoại luôn tìm tòi, giao du với những anh tài võ học đất Trà Vinh. Để khẳng định niềm say mê võ học, Bảy Thoại san ruộng, mở sân võ làm nơi tụ hội cho những người cùng sở thích. Thời gian này, rất nhiều cao thủ đã tề tựu trong nhà Bảy Thoại.
Khi ấy, Sáu Cường dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng khí phách của một hảo hán và tài võ nghệ của mình cũng đã được nhiều người biết đến. Anh thanh niên trẻ cũng được Bảy Thoại đặc biệt chú ý và rước về tư gia, giao việc đảm bảo an ninh cho đám tá điền. Tại đây, Sáu Cường vô tình bước vào trận đấu đầu đời. Trận đấu đầu tiên mở màn cho những chuỗi ngày chinh phục các võ đài, khuất phục các tay đấm trong, ngoài nước.
Ghi nhận sự kiện trên, tác phẩm “Đất lành” viết: “Nghe danh Bảy Thoại dưới huyện dám vượt mặt, một quan lớn trên Trà Vinh đã gửi cao thủ “Thầy Ngư” xuống thách đấu. Thầy Ngư khét tiếng giang hồ với những cú đấm thôi sơn nhanh như chớp giật, thân pháp uyển chuyển như linh miêu. Đến Tiểu Cần, Thầy Ngư xộc vào nhà Bảy Thoại đòi thách đấu. Với vị thế là người đứng đầu nhóm quyền cước, Lai Quý, người được Bảy Thoại mời về từ Chợ Lớn đứng ra nhận lời thách đấu”.
Lai Quý cũng là một cao thủ võ Hẹ nổi danh Chợ Lớn - Sài Gòn bằng câu nói: “Muốn đánh thì mua sẵn một cái hòm”. Tuy nhiên, lần giáp mặt này, Lai Quý thúc thủ trước Thầy Ngư. Sau ít phút chống đỡ trong tuyệt vọng, Lai Quý gục ngã và bị đối thủ phun nước bọt vào mặt, khinh miệt.
Bị kích động, Sáu Cường nhún chân, nhảy vọt vào giữa sân đấu hét: “Ông khinh người quá, có ngon chơi với tôi”. Tỏ ý khinh đối thủ trẻ người non dạ, không một tiếng động, bất thần, Thầy Ngư xuất liền năm cước nhắm cuống họng Sáu Cường đánh tới. Sáu Cường tung cước quét ngang trước mặt hạn chế những cú đấm thôi sơn đồng thời lui ra sau thủ thế. Chiếm thế thượng phong, Thầy Ngư tiếp tục dồn đuổi, hòng kết thúc nhanh trận đấu. Tuy nhiên, bất thình lình, sau khi lách người tránh liên tiếp ba quyền nghe vun vút của Thầy Ngư, Sáu Cường tung người đá thốc ngược nhằm cằm đối thủ tấn tới.
Dạn dày kinh nghiệm, Thầy Ngư tung người theo để giảm lực từ đòn đá, đồng thời gạt tay, hóa giải đòn chân chí mạng. Nào ngờ, đường đá mới được nửa chừng, Sáu Cường vặn hông biến cú đá thốc thành một cú đá thẳng đúng vào bụng dưới đối thủ. Thầy Ngư văng xa, hộc máu trong sự ngỡ ngàng của người xem. Sau trận thắng, Sáu Cường nhanh chóng được nhiều người biết đến. Cũng từ đây, ông được cử đi đánh võ đài và đụng độ với gia đình Công tử Bạc Liêu.
Có thần cước nhờ đôi chân khác người Ông Tư Trinh cho biết: “Sinh thời, đôi bàn chân thầy tôi to hơn người khác rất nhiều, đến nỗi không có giày dép nào vừa. Ông phải tự tay đẽo guốc để đi hoặc phải đặt các tiệm bán giày may theo kích cỡ bàn chân của mình. Đôi bàn chân to ấy cho ông một uy lực khủng khiếp khi tung ra những cú đá bạt sơn”. |