Xuất phát từ một gia đình làm nông nên ngay từ trong môn dạy của mình, cô giáo Phùng Thị Hà, giáo viên trường THPT Yên Lãng (Mê Linh- Hà Nội) đã hướng dẫn học sinh của mình tái tạo những phụ phẩm nông nghiệp vứt đi thành sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.
Tạo đam mê từ môn phụ
Là cô giáo dạy môn Công nghệ và đặc thù của bộ môn này gồm có 3 phần: Trồng trọt, Chăn nuôi và Tạo lập doanh nghiệp. Từ chính ba phần đó trong sách giáo khoa đã giúp chị lên ý tưởng để kích thích học sinh học sáng tạo. Đồng thời, cùng học sinh lên ý tưởng kinh doanh và phát triển ý tưởng đó ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Để thành công, cô Hà được sự hậu thuẫn rất lớn của gia đình. Ảnh Ngô Chuyên.
Và nói là làm, những ý tưởng đó của cô trò chị Hà được lên từ chính những sản phẩm rất gần gủi với mình. Cô Hà chia sẻ: “Cuộc sống của tôi và học sinh rất gần gũi với đồng ruộng. Cứ đến mùa thu hoạch, tôi chứng kiến rất nhiều phụ phẩm từ nông nghiệp bị người dân đem đốt rất phí. Và tự đặt câu hỏi, tại sao mình không tận dụng nó để làm ra những nông phẩm sạch”.
Lợi thế là một giáo viên Công nghệ với những kiến thức sẵn có, chị đã nghiên cứu và tái chế những thực phẩm sạch từ chính những phụ phẩm nông nghiệp của bà con nông dân.
Để hạn chế điều đó, trong quá trình giảng dạy, cô Hà định hướng, cùng học sinh đưa ra và thực hiện các giải pháp như: Dùng rơm làm thức ăn cho bò, làm phân bón, làm chổi, làm chất độn…, đặc biệt là làm nấm rơm. Những giải pháp này không những xử lí được vấn đề rơm rạ mà còn tạo được sản phẩm, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường…
Cô Hà cho biết: “Trường THPT Yên Lãng nằm ở ngoại thành Hà Nội, đa số học sinh xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, người dân vẫn theo thói quen cũ đốt rơm rạ khắp nơi mỗi khi vào vụ gặt mới, gây khói bụi, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và cuộc sống... Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ? Làm thế nào để vận dụng kiến thức bộ môn vào thực tế?”.
“Khi mới bắt tay vào làm, tôi tìm cách xâu chuỗi các phần của bộ môn lại với nhau để ứng dụng vào thực tế nhằm kích thích các em thích thú với môn học. Đặc biệt, trong môn công nghệ có phần tạo lập doanh nghiệp, trong quá trình học, tôi đã định hướng cho các em phương án kinh doanh cho gia đình từ việc tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp đến tất cả những gì địa phương hiện có để xây dựng nên quy trình chuẩn chế biến sản phẩm”.
Để định hướng cho học sinh hiệu quả, cô Hà đã dạy các em cách thực hiện các kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với gia đình; chế biến những sản phẩm mà gia đình các em nuôi trồng được như: Cốm, sữa chua túi, khoai lang lắc và khoai lang kén…
Cùng với kiến thức phần “Kinh doanh” sẽ giúp các em biết cách tiêu thụ những sản phẩm làm ra, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Theo lời cô Hà kể, ở một số lớp, cô đã định hướng cho các em thành lập “Hội kinh doanh nhỏ”, tiền lãi thu được đưa vào quỹ lớp, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Việc làm này được các em hưởng ứng nhiệt tình, vừa để gây quỹ, vừa để thực hành kiến thức phần “Kinh doanh” có hiệu quả.
Ảnh minh họa.
Xóa bỏ định kiến môn chính – phụ
Bằng đam mê, bằng nhiệt huyết của mình cô Hà đã tạo cảm hứng, cũng như sáng tạo cho học sinh của mình bằng cách đưa lý thuyết vào thực hành. Và chính cách làm đó, đã giúp cô xóa đi suy nghĩ, môn chính, môn phụ trong học sinh.
Cô Hà chia sẻ: “Mỗi môn học đều có những thế mạnh, khía cạnh riêng và cần phải giáo dục cho các học sinh một cách toàn diện. Kể cả các môn vốn được coi là phụ vẫn có thể sáng tạo được, thậm chí là sáng tạo rất nhiều. Khi tôi làm những điều này, học sinh thực sự rất tập trung chứ không hề có tâm lý coi là môn phụ. Tôi nghĩ, nếu các giáo viên nỗ lực thì cũng chẳng có giới hạn là môn phụ - môn chính nữa”.
Với mong muốn ở các bộ môn khác ngoài kiến thức sách vở thì giáo viên cũng cần trang bị cho học sinh cách giải quyết các vấn đề thực tiễn. Gần 15 năm đứng trên bục giảng cô luôn tạo điều kiện giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, các em học lực yếu, trung bình phấn đấu đạt loại khá.
Tiết sinh hoạt thường hạn chế thấp nhất việc kiểm điểm, phê bình học sinh; thường xuyên biểu dương khen thưởng kịp thời các em dù là sự tiến bộ nhỏ nhất, thành lập các nhóm học sinh giúp đỡ nhau… từ đó tạo động lực để các em chăm ngoan hơn.
Cũng theo chia sẻ của cô Hà, chồng cô chính là người động viên là đồng hành cùng chị trong quá trình làm thử: “Cũng may, được sự ủng hộ của gia đình và chồng đã tiếp thêm rất nhiều động lực để làm việc và nghiên cứu”.
Với sự nỗ lực không ngừng ngủ hơn 10 năm qua, chị Hà đã được Bằng khen của chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2016 – 2017. Giấy khen của Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nữ công năm học 2015 -2016. Nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2013 -2017).