Được cấp phép khai thác cát sỏi trên dòng sông Lô (đoạn bãi soi Dù Dì, xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) từ năm 2006, tuy nhiên, từ khi mới đi vào khai thác, doanh nghiệp được cấp phép đã bị UBND tỉnh thông báo tạm dừng tới 2 lần…
Không những thế, khi những văn bản của doanh nghiệp đề nghị được cấp phép hoạt động trở lại chưa được hồi đáp thì UBND tỉnh Tuyên Quang đã “vội vã” cấp giấy phép khai thác cho một doanh nghiệp khác vào chính vị trí mà UBND tỉnh này vừa mới yêu cầu doanh nghiệp đang khai thác trước đó phải tạm dừng hoạt động…
Công ty cổ phần khoáng sản Tân Hà khai thác cát tại bãi soi Dù Dì
Thời gian gần đây, Báo Công lý nhận được hàng loạt đơn thư của ông Chu Minh Quang, đại diện cho Công ty cổ phần Phú Tuyên (Công ty Phú Tuyên), đơn vị được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng số 07/GP-UBND ký ngày 18/3/2006 cho biết: Từ thời điểm Công ty được cấp phép khai thác, Công ty đã phải thực hiện nhiều công đoạn để được đi vào khai thác như: đền bù, giải quyết các thủ tục hành chính mất rất nhiều thời gian… Khi đã hoàn thiện thủ tục, giấy tờ đầy đủ và đi vào khai thác thì ngày 7/9/2009, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra văn bản tạm dừng khai thác cát sỏi đợt 1 số 63/TB-UBND.
Đến ngày 2/7/2010, UBND tỉnh Tuyên Quang lại tiếp tục ra Văn bản số 1446/UBND-TNMT do ông Trần Ngọc Thực ký về việc tạm dừng khai thác lần 2 đối với Công ty Phú Tuyên. Lý do được UBND tỉnh này đưa ra là chờ kết luận từ Sở NN&PTNT và đơn vị tư vấn về nguyên nhân và biện pháp xử lý hiện tượng sạt lở, rạn nứt chân đê tại xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương.
Khi Công ty Phú Tuyên tuân thủ văn bản của UBND tỉnh Tuyên Quang dừng hoạt động khai thác chờ kết quả, đến ngày 30/9/2010 đã có kết luận về nguyên nhân của những vết nứt, hiện tượng sạt lở bờ sông là do điều kiện địa hình, địa chất biển đổi và tổ hợp các nhà máy thủy điện khai thác nguồn nước gây ra…
Bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng
Kể từ khi có kết luận về nguyên nhân gây ra sạt lở, rạn nứt chân đê không phải do Công ty Phú Tuyên khai thác cát gây nên, đại diện Công ty đã nhiều lần có văn bản và đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang để xin được khai thác trở lại theo giấy phép đã cấp. Hàng loạt văn bản đã được gửi đi nhưng không một lần được hồi đáp, Công ty Phú Tuyên ngậm ngùi nhìn công nhân của mình chịu cảnh thất nghiệp. Hàng loạt những tàu được đầu tư để phục vụ cho khai thác khoáng sản của Công ty này cũng phải bán đi để lấy tiền chi trả lương cho công nhân.
Điều đáng nói, trong khi UBND tỉnh Tuyên Quang “phớt lờ” những văn bản kiến nghị chính đáng của phía Công ty Phú Tuyên thì hàng chục tàu cuốc ngày đêm “xẻ thịt” dòng sông Lô (thuộc địa phận xã Sầm Dương - nơi Công ty Phú Tuyên từng được cấp giấy phép khai thác) khiến hai bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới danh tiếng, tài chính của Công ty Phú Tuyên, gây thiệt hại hoa màu của người dân.
Ông Chu Minh Quang, Giám đốc Công ty Phú Tuyên bức xúc: “Từ khi có kết luận của phía Sở NN&PTNT cùng đơn vị tư vấn, Công ty Phú Tuyên đã có trên dưới 20 văn bản cùng đơn kiến nghị gửi tới UBND tỉnh Tuyên Quang cùng các đơn vị liên quan nhưng không một lần được hồi đáp. Việc làm này đã gây thiệt hại nặng nề cho Công ty Phú Tuyên. Không những thế, việc nhiều tàu cuốc của “cát tặc” liên tục khai thác ngày đêm còn gây bức xúc cho người dân mà các cơ quan chức năng không hề xử lý…”.
Kiên trì gửi văn bản kiến nghị đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang cùng các cơ quan chức năng để mong nhận được câu trả lời chính đáng, tuy nhiên, thay vì việc phải trả lời doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chọn cách im lặng.
Có hàng trục tàu cuốc khai thác trái phép trên sông Lô
Thay vì việc phải trả lời doanh nghiệp theo luật định để doanh nghiệp xác định hướng kinh doanh trong giai đoạn khó khăn thì ngày 25/11/2013, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần khoảng sản Tân Hà (Công ty Tân Hà). Tiếp đó, ngày 27/01/2014, UBND tỉnh này tiếp tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 06/GP-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn ký cho Công Tân Hà. Diện tích Công ty Tân Hà được phép khai thác được cấp chồng lên diện tích khai thác của Công ty Phú Tuyên đã được cấp phép và thực hiện các thủ tục để được khai thác trước đó. Không những vậy, trong khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến hành khai thác thì Công ty Tân Hà đã rầm rộ kéo tàu bè của mình để khai thác cát trên sông…
Vì sao đòi hỏi chính đáng của Công ty Phú Tuyên không được hồi đáp? Những việc làm “khó hiểu” của UBND tỉnh Tuyên Quang phải chăng đang cố tình làm khó doanh nghiệp? Bất chấp chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý nhưng Công ty Tân Hà đã rầm rộ khai thác cát sỏi trên sông như thách thức dư luận? Doanh nghiệp Phú Tuyên nói riêng và dư luận nói chung đang chờ hồi đáp từ phía UBND tỉnh Tuyên Quang.
Anh Tuấn