Tuyên bố chung hai nước được ra nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Vương quốc Campuchia.
Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước của Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới Vương quốc Campuchia (từ ngày 21 đến 22/12/2021).
Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21 đến ngày 22/12/2021.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, thăm Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk; có các cuộc hội kiến với Samdech Vibol Sena Pheakdei Say Chhum, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia; Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia và Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen, Thủ tướng Vương quốc Campuchia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm Đại Tăng thống Samdech Preah Agga Maha Sangha Rajadhipati Tep Vong và Đại Tăng thống Samdech Preah Abhisiri Maha Shangharajah Dhipati Bour Kry; dâng hoa tại Tượng đài tưởng niệm Thái Thượng Hoàng Preah Bat Samdech Preah Norodom Sihanouk “Preah Borom Ratanak Kaudh” Norodom Sihanouk, Đài Độc lập và Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cùng Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin dự lễ khởi công xây dựng tòa nhà hành chính mới của Quốc hội Vương quốc Campuchia, quà tặng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành cho Nhà nước và nhân dân Vương quốc Campuchia.
Hai bên đánh giá cao ý nghĩa trọng đại của của chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Ngài Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Campuchia trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời cũng là sự kiện mở màn cho “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam 2022.”
Trong bầu không khí thắm tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, các nhà lãnh đạo của hai nước đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi ý kiến sâu rộng về các mặt hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Quốc vương Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni và các nhà lãnh đạo Campuchia nồng nhiệt chào đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm Campuchia, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó truyền thống giữa hai nước láng giềng; ca ngợi những thành tựu to lớn mà đất nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước; chúc nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi những thành tựu quan trọng mang ý nghĩa lịch sử mà Vương quốc và nhân dân Campuchia đã đạt được, dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni và sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ Hoàng gia do Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen đứng đầu, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững ổn định chính trị xã hội, không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của Campuchia ở khu vực và trên trường quốc tế; chân thành chúc Campuchia tổ chức thành công cuộc bầu cử hội đồng xã, phường năm 2022 và tổng tuyển cử năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Campuchia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2050.
Hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển toàn diện, gắn bó, ngày càng hiệu quả và thực chất của quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia trong 55 năm qua, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, quan hệ chính trị giữa hai nước vẫn không ngừng được củng cố thông qua việc duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc trực tiếp cũng như các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến cấp cao, đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.
Tiếp nối truyền thống tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Phía Campuchia bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn mà nhiều thế hệ Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Campuchia trước đây cũng như hiện nay, khẳng định Campuchia sẽ luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đối với nhân dân Campuchia trong công cuộc giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979.
Phía Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Cố Quốc vương Norodom Sihanouk, Quốc vương Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, các vị lãnh đạo và nhân dân Campuchia đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải ưu tiên tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ song phương theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”
Đồng thời, hai bên tiếp tục thực hiện đầy đủ các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam-Campuchia các năm 1999, 2005, 2009, 2011, 2014, 2016, 2017 và 2019; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào các công việc nội bộ của nhau và giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình.
Để hướng tới kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2022), hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc cấp cao, trao đổi đoàn các cấp; khuyến khích các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa các địa phương giáp biên.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước, về truyền thống đoàn kết, hữu nghị và tin cậy lẫn nhau giữa hai dân tộc.
Hai bên hoan nghênh hợp tác giữa hai nước thời gian qua trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Đặc biệt, thương mại là một điểm sáng thời gian gần đây với kim ngạch hai chiều duy trì đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh triển khai Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư và Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần; tạo điều kiện phát triển thương mại biên giới thông qua đẩy nhanh ký kết Hiệp định Thương mại biên giới, thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại bên giới, tiếp tục nghiên cứu xây dựng chợ biên giới và đặc khu kinh tế tại khu vực các tỉnh giáp biên hai nước.
Hai bên nhất trí đẩy nhanh việc hoàn tất Quy hoạch tổng thể về Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030 vào cuối năm 2022.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp ứng phó với những tác động về y tế, kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19. Trên tinh thần đó, hai bên sẽ thúc đẩy trao đổi tiến tới công nhận lẫn nhau về Hộ chiếu vaccine/Giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19, tạo thuận lợi đi lại cho công dân hai nước, thúc đẩy sớm mở lại đường bay thẳng giữa hai nước một cách an toàn, đóng góp thiết thực vào quá trình phục hồi kinh tế-xã hội bền vững của mỗi nước trong điều kiện “bình thường mới” và giai đoạn hậu đại dịch.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia; triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc phòng, an ninh hiện có; tăng cường phối hợp duy trì ổn định chính trị, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới; phát huy các cơ chế hợp tác hiện có và tiếp tục nỗ lực phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia.
Hai bên khẳng định cam kết tôn trọng và thực hiện đầy đủ các hiệp ước về hoạch định và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và các hiệp định, thỏa thuận liên quan đến biên giới giữa hai nước.
Hai bên khen ngợi những nỗ lực của Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước; hoan nghênh (i) Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và (ii) Nghị định thư về phân giới cắm mốc trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương Quốc Campuchia bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/12/2020; thúc đẩy Ủy ban liên hợp Biên giới Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được để giải quyết khoảng 16% đường biên giới trên đất liền chưa hoàn thành phân giới cắm mốc.
Phát huy những thành quả đó, hai bên quyết tâm phối hợp, cùng nỗ lực hướng tới hoàn thành xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia.
Hai bên nhất trí về sự cần thiết phải ký kết Hiệp định về cửa khẩu biên giới trên đất liền trong tương lai gần để thay thế các điều khoản trong Hiệp định về Quy chế biên giới năm 1983 liên quan đến quản lý các cửa khẩu.
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hiệu quả hoạt động của hệ thống cửa khẩu biên giới thông qua việc mở và nâng cấp các cặp cửa khẩu mà hai bên đã thống nhất, đưa cửa khẩu quốc tế Meun Chey-Tân Nam vào danh mục Các cặp cửa khẩu cho phép quá cảnh theo Hiệp định Quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia, ký năm 2013.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Quốc vương, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo của Campuchia đã luôn quan tâm, hỗ trợ và không phân biệt đối xử đối với người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia trong những năm qua.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ chăm sóc y tế và điều trị cho bệnh nhân Campuchia tại các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh tương đương mức dành cho người Việt Nam và theo cơ chế thanh toán viện phí của Việt Nam dành cho người không có bảo hiểm y tế.
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như pháp luật và tư pháp, lạo động và xã hội, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), văn hóa, thể thao và du lịch, hàng không, ngân hàng, tài chính, nông-lâm-ngư nghiệp...
Hai bên chia sẻ quan điểm và nhất trí tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu và khu vực, cũng như trong các khuôn khổ tiểu vùng, trong đó có các cơ chế hợp tác Mekong để bảo đảm quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của phía Campuchia dành cho Việt Nam trong quá trình đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, khẳng định Việt Nam sẽ ủng hộ Campuchia ở mức cao nhất trong quá trình đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022 với chủ đề “ASEAN: cùng nhau giải quyết các thách thức,” cùng đóng góp thúc đẩy thống nhất, đoàn kết, củng cố vai trò trung tâm và năng lực tự cường của ASEAN trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên, vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng ở khu vực.
Hai bên nhấn mạnh lập trường chung của ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nỗ lực hướng tới hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Hai bên cũng ủng hộ ASEAN và Trung Quốc tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 20 năm ký kết DOC.
Nhân dịp chuyến thăm, Samdech Techo Thủ tướng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phấn khởi chứng kiến Lễ ký kết văn kiện hợp tác, bao gồm: (i) Chương trình hợp tác năm 2022 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Campuchia; (ii) Kế hoạch hợp tác quốc phòng năm 2022 giữa hai Bộ Quốc phòng; (iii) Biên bản Thỏa thuận Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về Hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học và Kỹ thuật; (iv) Biên bản cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp về biên giới Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam; (v) Bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục giai đoạn 2021-2025; (vi) Bản ghi nhớ về việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia; (vii) Chương trình công tác năm 2022-2023 giữa hai Bộ Tư pháp. Nhân dịp này, các doanh nghiệp hai nước cũng đã ký kết một số hợp đồng và thỏa thuận hợp tác kinh doanh.
Hai bên đánh giá cao kết quả tốt đẹp và ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Campuchia, là sự kiện mở màn chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia, góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác nhiều mặt và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và mến khách mà Quốc vương Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, lãnh đạo và nhân dân Campuchia đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng mời Quốc vương Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Hoàng Thái hậu Norodom Monineth Sihanouk và các vị Lãnh đạo cấp cao Campuchia thăm Việt Nam. Quốc vương Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk và các vị lãnh đạo cấp Campuchia đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Thời gian cụ thể của các chuyến thăm sẽ được các cơ quan chức năng thu xếp qua đường ngoại giao vào thời điểm phù hợp.