Bộ Y tế vừa cho biết, tương ứng với sự chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, suốt 61 năm qua Việt Nam tập trung thực hiện kế hoạch hoá gia đình, đã đạt được nhiều thành tựu, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người.
Năm 2017, chất lượng dân số đã được cải thiện nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tình trạng, suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế)
Tuy nhiên, ông Tân cho rằng công tác dân số còn nhiều hạn chế, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, ở mức nghiêm trọng (114 bé trai/100 bé gái), tuổi thọ tăng nhưng số năm sống khoẻ thấp hơn nhiều nước, tầm vóc, thể lực chậm được cải thiện, tỉ lệ suy dinh dưỡng còn cao...
Với quan điểm đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII cũng nêu quan điểm, Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.
Đặc biệt, điểm mới về công tác dân số trong tình hình mới chính là việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế, xã hội.
Mục tiêu đặt ra là, sẽ đưa dân số Việt Nam đạt tuổi thọ bình quân 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.
Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, phấn đấu đến 2030 có trên 95% dân số tham gia BHYT, tuổi thọ trung bình tăng lên 75, đảm bảo 32 giường bệnh, 11 bác sĩ/10.000 dân...