Tục giữ lửa đêm 30 Tết và cúng thần sấm của người Thái ở xứ Nghệ

Nguyễn Đình Kim Cương| 07/02/2016 11:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối với người Thái xứ Nghệ, lửa tượng trưng cho sự no ấm, đủ đầy, đốt cháy mọi sự không hay, xua đuổi tà ma và thắt chặt tình cảm gia đình, làng bản.

Chính thế, từ xa xưa người Thái xứ Nghệ đã có phong tục giữ lửa đêm 30 Tết cho đến hết ngày mùng 1. Ngoài ra, họ còn có tục cúng thần Sấm để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, bản làng được bội thu.

Tục giữ lửa đêm 30 Tết

Theo quan niệm của người Thái xứ Nghệ, lửa có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Kể từ khi có lửa, người Thái thấy cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn. Lửa duy trì công việc nấu nướng, giúp họ có những bữa ăn ngon, nóng hổi, lửa giúp họ chống chọi được với cái rét, cái giá lạnh của vùng cao, đồng thời lửa cũng là thứ vũ khí lợi hại, giúp họ xua đuổi thú dữ, tà ma, xua đuổi bóng đêm âm u bao phủ, vây kín bản làng.

Trong tâm niệm của người Thái xứ Nghệ, lửa chính là cánh cửa vô hình, giúp họ có thể truyền đạt nguyện vọng với các bậc thần làng, hoàng làng, trao đổi tâm tư với tổ tiên, với những người đã khuất. Lửa được xem là chìa khóa mở cánh cửa ngăn cách giữa cõi âm và cõi dương, là vật dụng để họ hướng về nguồn cội.

Chính vì lửa có một tầm quan trọng sâu sắc từ trong ý niệm bao đời như thế nên phong tục giữ lửa đêm 30 Tết được ra đời và truyền lại cho đến ngày nay. Họ quan niệm rằng, giữ được lửa từ đêm 30 cho đến hết ngày mùng 1 Tết chính là giữ lại được sự no ấm, sung túc, giữ lại được sự may mắn, giúp người thân đã khuất có thể về đây tụ hội, thu hút sự chú ý của thần linh, ban may mắn cho gia đình.

Để chuẩn bị cho phong tục giữ lửa đêm 30 Tết, những ngày cuối tháng chạp, bà con gác lại công việc ruộng nương, các mẹ, các chị chịu trách nhiệm lên ngàn hái lá dong về chuẩn bị gói bánh chưng, còn những anh thanh niên lực lưỡng thì mài dao vào rừng, tìm những khúc củi lớn, thẳng tắp, suôn đều. Phải chọn những khúc củi đã khô ở những giống cây dễ bắt lửa, có thớ chắc, lâu năm thì mới giữ được lửa lâu dài, than mới hồng đỏ và không chóng tàn, đảm bảo duy trì được đến hết ngày mùng 1 Tết.

Chọn củi để giữ lửa cũng xuất phát từ quan niệm, củi có săn chắc, than có đỏ hồng kéo dài thì tình cảm gia đình, phúc ấm tổ tiên ban lại mời bền chặt, dài lâu, keo sơn, gắn bó.

Tục giữ lửa đêm 30 Tết và cúng thần sấm của người Thái ở xứ Nghệ

Gia đình người Thái quây quần bên bếp lửa đêm giao thừa

Sau công tác chuẩn bị củi, đến sáng ngày 30 Tết, họ sẽ chất củi thành đống trước cổng nhà, bếp núc cũng được chuẩn bị kỹ càng. Đêm giao thừa, họ sẽ bắt đầu làm lễ cúng tế thần lửa, châm cho lửa bùng cháy, cả trong bếp lẫn ngoài sân.

Khi lửa bùng cháy, những người thân trong gia đình, trai gái bản làng người Thái sẽ qua nhà thăm nhau (giống tục xông đất), quây quần bên đống lửa, tổ chức các trò chơi dân gian, đồng thời ăn uống, chúc tụng nhau bằng các đồ nướng trực tiếp trên ngọn lửa.

Sau lễ cúng thần lửa, họ trở về nhà quây quần nhau bên bếp của nhà mình, cùng trò chuyện và cất lên lời ca, tiếng hát vang vọng cả núi rừng, bản làng như một thông điệp gửi đến đất trời trong giờ khắc giao thừa, cầu mong cho một năm sung túc, con cái mạnh khỏe, bố mẹ sống lâu, gia đình luôn đoàn kết, trâu đầy sàn nhà, gà đầy chuồng to.

Sau giao thừa, những người phụ nữ trong gia đình có nhiệm vụ vùi tro ở bếp, sao cho sáng hôm sau, đúng ngày mùng 1 Tết than trong tro vẫn đượm lửa, rực hồng, chỉ cần khơi bếp là ngọn lửa bùng lên, thể hiện cho 1 ngày đầu năm mới hừng hực, ấm áp, đốt cháy mọi sự đen đủi, đón những cái may mắn, thu hút các vị thần tài, lộc tài tới ban điều an lành.

Với người Thái xứ Nghệ, tục giữ lửa đêm 30 Tết có ý nghĩa về mặt tâm linh cũng như đời sống vật chất, nó ăn sâu vào ý niệm vào từng đường gân, thớ thịt từ lúc họ mới sinh ra cho đến hết cuộc đời, chính vì thế bất cứ người con trai, con gái nào khi lớn lên, trước khi dựng vợ gả chồng, đều được bố mẹ, ông bà truyền đạt lại cho kinh nghiệm giữ lửa, giữ lại cái hạnh phúc ấm no cho mình, giữ lại một nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc từ lâu đời của tổ tiên truyền lại.

Tục cúng thần sấm ngày đầu năm

Tục cúng thần sấm ngày đầu năm của người Thái xứ Nghệ đã có từ rất lâu đời. Ông Lô Văn  Khai (một người nhiều tuổi nhất của dân tộc Thái) ở huyện Kỳ Sơn-Nghệ An cho biết: “Chúng tôi cũng không rõ tục cúng thần sấm ngày đầu năm xuất hiện từ khi nào mà chỉ nghe truyền thuyết kể lại từ đời này sang đời khác và chúng tôi có trách nhiệm duy trì phong tục đó”.

Truyền thuyết kể lại rằng, vào một năm nọ người Thái được mùa bội thu. Năm ấy, họ mở tiệc liên hoan linh đình, say sưa trong men rượu, lời ca tiếng hát mà quên mất rằng, họ được một năm bội thu là nhờ công của “phà” (nghĩa là trời theo tiếng Thái) làm cho mưa thuận, gió hòa.

Phà thấy người Thái ăn uống linh đình mà quên mất mình nên rất tức giận, ngài nổi cơn thịnh nộ và lệnh cho ba vị thần gió, mưa, sấm kéo binh xuống trần gian trút cơn giận.

Tục giữ lửa đêm 30 Tết và cúng thần sấm của người Thái ở xứ Nghệ

Người Thái quây quần bên đống lửa, nhảy múa ca hát

Người Thái thấy cơn thịnh nộ của “phà” bất ngờ ập xuống, như hiểu ra nguồn cơn nên họ đã lập đàn, bày cỗ làm lễ. Thấy bà con người Thái biết hối lỗi, “phà” lập tức lệnh cho 3 vị thần thu quân, từ đó trời yên, bể lặng, mưa gió lại trở lại thuận hòa.

Tục cúng thần sấm ngày đầu năm xuất hiện từ đó, nghi lễ cúng thần sấm không ấn định thời gian, hễ nghe tiếng sấm đầu tiên của năm mới nổ vang lúc nào là họ lại làm lễ cúng thần sấm lúc đó. Người được chọn để “đàm phán” với thần sấm phải là người có uy tín nhất làng, nhất bản, được mọi người tin tưởng tuyệt đối. Người này đảm nhiệm vai trò cúng thần sấm cho đến hết cuộc đời. Những người kế tục cúng thần sấm do dân làng bầu ra, ủy thác trách nhiệm.

Nghi lễ cúng thần sấm được bắt đầu rất đơn giản, nghe tiếng sấm nổ vang, già làng bắt đầu cầm một con dao sắc lẹm, phát cây cối ở cánh rừng gần nhất, tạo thành một con đường độc đạo, càng dài càng tốt, đường này được dân bản gọi là đường lên trời của thần gió, thần mưa, thần sấm. Tạo ra con đường này, trong ý niệm của người Thái muốn rằng, 3 vị thần trên hãy nhanh chóng trở về trời, đừng ở lại cõi trần lâu mà dân chúng lâm vào cảnh khốn đốn.

Tục giữ lửa đêm 30 Tết và cúng thần sấm của người Thái ở xứ Nghệ

Tục cúng thần sấm được chuẩn bị kỹ lưỡng

Phát xong đường, đích thân già làng soạn lễ với thịt, xôi, 2 gói trầu cau, 1 đĩa rau rừng, 1 vò rượu cần được bày lên mâm đồng, dâng lên thần sấm với tất cả lòng thành kính. Nến để thắp trên bàn thờ thần sấm phải là loại nến được làm từ sáp ong, tượng trưng cho sự ngọt ngào của mùa bội thu, và xin điều ngọt ngào từ trên ban xuống.

Sau lễ cúng thần sấm, trong 3 ngày đầu, không được ai vác rìu, vác dao vào rừng đốn củi, hái trái để tránh cơn thịnh nộ của thần sấm tiếp tục giáng xuống.

Nói về tục cúng thần sấm, ông Lữ Văn Vĩnh - Trưởng bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), cho biết: “Thần sấm có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Thái xứ Nghệ. Ngài là khởi nguồn, báo hiệu để thần gió xuất hiện, thần mưa trút xuống nhân gian. Trước đây tục cúng thần sấm ngày đầu năm được kéo dài tới 3 ngày liên tiếp. Sau này dân bản thống nhất, chỉ cúng đúng một ngày. Nếu tiếng sấm đầu tiên trong năm xảy ra vào ban ngày thì năm đó sẽ có hạn hán nặng, mất mùa. Tiếng sấm đầu năm vào ban đêm, năm đó sẽ có mưa thuận, gió hòa, trời sẽ cho mùa vàng bội thu”.

Như vậy, những ngày cuối năm hay đầu năm mới, người Thái luôn có những phong tục tập quán giàu bản sắc, tạo nên những nét văn hóa rất riêng. Nét văn hóa đó tạo nên tinh hoa của dân tộc, không hề lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác.

Phong tục giữ lửa đêm 30 Tết, cũng như tục cúng thần sấm ngày đầu năm của người Thái xứ Nghệ đã trở thành một nét văn hóa, một liều thuốc tinh thần cho cả một năm mùa màng bội thu, người người bình an, nhà nhà hạnh phúc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tục giữ lửa đêm 30 Tết và cúng thần sấm của người Thái ở xứ Nghệ