Để thúc đẩy du lịch, giao lưu văn hóa, mở rộng liên kết, xúc tiến đầu tư phát triển giữa hai địa phương Thanh Hóa- Điện Biên, các đơn vị đang gấp rút chuẩn bị cho Tuần Văn hóa- Du lịch để giới thiệu nét văn hóa độc đáo của 2 tỉnh với người xem.
Ngày 16/1, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã phê duyệt kế hoạch tổ chức Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa tại tỉnh Thanh Hóa năm 2024.
Theo đó, để chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên (28/6/1909 - 28/6/2024) và 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (10/10/1949 - 10/10/2024); trong các ngày từ 19 – 21/1/2024, tại thành phố Thanh Hóa sẽ diễn Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa.
Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra nhiều sự kiện như: Lễ khai mạc với chủ đề “Điện Biên - Điểm hẹn xòe hoa”; các chương trình giao lưu văn nghệ, trình diễn văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên và Thanh Hóa; không gian văn hóa vùng cao, triển lãm ảnh chủ đề “Thanh Hóa với Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Múa xòe hay còn gọi là nghệ thuật xoè Thái là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, là điệu múa phổ biến của người Thái vùng Tây Bắc nói chung và trong cộng đồng người Thái tỉnh Điện Biên nói riêng. Múa xòe thể hiện sự đoàn kết, thân thiện, gắn bó trong cộng đồng.
Nghệ thuật xoè Thái là nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào Thái, đã được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và đề nghị UNESCO ghi danh và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đai diện của nhân loại.
Biểu diễn đường phố; trưng bày các hình ảnh về hoạt động cư trú, đời sống, các di sản văn hóa; trưng bày, giới thiệu về văn hóa, du lịch, thương mại, nông nghiệp của tỉnh Điện Biên và tỉnh Thanh Hóa; Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên…
Trao đổi với PV, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng cho biết: Theo chủ trương chung việc phát triển du lịch cần liên kết với nhiều địa phương, liên vùng để đa dạng hóa các loại hình thu hút du khách. Các hoạt động trong Tuần văn hóa du lịch Điện Biên- Thanh Hóa sẽ góp phần giới thiệu, khẳng định thành tựu hợp tác trên các lĩnh vực giữa tỉnh Điện Biên với tỉnh Thanh Hóa, tăng cường sự giao lưu, trao đổi và mở rộng liên kết, xúc tiến đầu tư phát triển giữa hai địa phương.
Thể hiện được mối giao hòa văn hóa, tình đoàn kết gắn bó giữa đồng bào các dân tộc Điện Biên và Thanh Hóa. Tiếp tục phát huy và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai địa phương, đặc biệt trong việc phối hợp, hỗ trợ tổ chức các hoạt động, sự kiện tiêu biểu của tỉnh Điện Biên và tỉnh Thanh Hóa.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan của hai tỉnh đang tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chuẩn bị chu đáo các điều kiện về kỹ thuật, hậu cần, đảm bảo an ninh - trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... để Tuần văn hóa - Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa diễn ra thành công.
Đoàn công tác của hai tỉnh đã khảo sát tại khu vực quảng trường Lam Sơn, khách sạn Sao Mai. Đây là các địa điểm tổ chức các hoạt động khai mạc và trải nghiệm văn hoá du lịch, triển lãm, hội thảo quảng bá, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ Tuần văn hoá.
Theo thống kê, tính chung trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công với tổng số dân công lên đến 178.924 người và 27 triệu ngày công; hơn 3.500 xe đạp thồ được huy động lên đến gần 16.000 lượt vận chuyển, 1.126 chiếc thuyền, đặc biệt có cả 31 chiếc ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi.
Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên với 9.000 nghìn tấn gạo chiếm 56% và 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.
Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện nay còn trưng bày chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, người đã chế tác chiếc xe cút kít hình chữ A, trong đó 1 phần bánh xe được ghép bằng gỗ bàn thờ gia tiên.
Với chiếc xe này, ông Bầm đã tải lương thực từ 100 đến 280kg/ chuyến; suốt toàn chiến dịch, ông đã vận chuyển được gần 12.000kg lương thực, được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng bằng khen, được tuyên dương toàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra còn trưng bày đôi dép cao su của chị hà Thị Miên, kỷ vật duy nhất còn lại của chị Hà Thị Miên, nữ dân công đã anh dũng hi sinh khi đang trên tuyến đường tải đạn vào mặt trận.