Ngày 26/10, thông tin từ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, vừa tiến hành phẫu thuật khẩn cấp cho một bệnh nhân 19 tuổi bị ung thư lưỡi rất nặng. Đây là bệnh nhân trẻ tuổi nhất mà khoa từng tiếp nhận.
Theo lời kể của người nhà, 4 tháng trước, đột nhiên bệnh nhân P.V.A. (19 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) phát hiện lưỡi có một lỗ nhỏ. Tưởng loét nhẹ vì nhiệt miệng thông thường, anh chỉ ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống. Tuy nhiên sau 1 tuần, 2 tuần rồi nhiều ngày nữa, bệnh không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng hơn.
Gần đây lưỡi loét hơn, ăn uống khó khăn, anh đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thăm khám và phát hiện ung thư lưỡi giai đoạn 3.
Bác sĩ Bùi Xuân Trường - Trưởng khoa Ngoại 5, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết, tại đây sau các xét nghiệm, cận lâm sàng, bệnh nhân A. được chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn 3, khối u đã ăn sâu vào đáy lưỡi, phải phẫu thuật gấp để lấy hết khối u. Trong lúc mổ, các bác sĩ thấy một chiếc răng sâu rất nhọn đâm vào góc lưỡi gây nhiễm trùng nên cũng đã nhổ bỏ răng này.
“Trước đây những ca thế này bác sĩ không dám phẫu thuật vì kỹ thuật mổ và tạo hình phức tạp, rủi ro cao. Nhưng nếu không làm bệnh nhân trẻ sẽ mất cơ hội sống nên chúng tôi cố gắng đến cùng", bác sĩ Trường chia sẻ.
Bác sĩ Trường thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: L.Phương
Để giữ lại giọng nói cho bệnh nhân, êkíp điều trị đã tiến hành vi phẫu vạt đùi trước, tạo hình lưỡi cho A. Ca mổ kéo dài trong 5 giờ. Dự kiến bệnh nhân sẽ được nuôi ăn qua ống khoảng 10 ngày chờ lành vết thương. Sau đó cần khoảng 3-6 tháng để tập phát âm.
Theo bác sĩ Trường, trước kia ung thư lưỡi gặp chủ yếu ở bệnh nhân trên 50-60 tuổi. Gần đây bệnh có xu hướng trẻ hóa, gặp nhiều ở tuổi dưới 40. Trong tuần qua, ngoài nam bệnh nhân 19 tuổi, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM còn phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 26 tuổi mắc bệnh này.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư lưỡi chưa rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố nguy cơ như: Người có bệnh lý về răng miệng: Răng sâu, răng nhọn, vệ sinh răng miệng kém; Uống rượu, hút thuốc lá kéo dài; Nhai trầu xỉa thuốc; Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A,C, D.
Phần lớn các bệnh nhân ung thư lưỡi không có cảm giác đau ở giai đoạn đầu nên người bệnh thường chủ quan và không đi khám. Nhưng khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện nhiều triệu chứng như: xuất hiện hạch ở cổ, vết loét lâu ngày, màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi (có thể hơi đau hoặc không đau), khó khăn khi nói, nhai, chảy máu lưỡi, đau tai... ngứa hoặc đau rát lưỡi khi uống rượu hoặc ăn các loại thức ăn có tính axit.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện một vết loét trong miệng, cho dù có liên quan với chấn thương hay bệnh viêm loét miệng hay không, nếu sau 3-4 tuần không khỏi, nên đến bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc các bác sĩ tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt để khám xác định bệnh.