Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về nhiều lĩnh vực, trong đó có tinh thần rèn luyện thân thể để giữ gìn sức khoẻ và nâng cao thể lực để phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Trong lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Hồ Chủ tịch, được đăng trên tờ Cứu quốc tháng 3/1946, Bác Hồ đã viết :”Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”. Bác là tấm gương sáng về nhiều lĩnh vực, trong đó có tinh thần rèn luyện thân thể để giữ gìn sức khoẻ và nâng cao thể lực để phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công. Chính vì vậy, trong lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác, đăng trên báo Cứu quốc có đoạn viết: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người yêu nước... Dân cường thì quốc thịnh”.
Ý thức rèn luyện sức khoẻ luôn thường trực và trở thành thói quen hiện hữu trong sinh hoạt ngày thường của Bác. Điều đó đã giúp Bác đủ sức khoẻ để vượt qua những tháng ngày gian nan vất vả trên hành trình đi tìm con đường cứu nước.
Khi trở về nước vào tháng 2/1941, Bác Hồ lưu lại tại vùng rừng núi Cao Bằng.Tại đây, người ta đã bắt gặp hình ảnh của một vị lãnh tụ sáng sáng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm.
Ngoài ý thức rèn luyện thân thể, Bác Hồ biết rằng thể dục rất cần thiết để tăng cường sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Chính vì vậy, năm 1946, trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam độc lập, Bác đã ký sắc lệnh số 14 ngày 30/1/1946, thành lập Nha Thể dục TW trong Bộ Thanh Niên.
Cuối tháng 3/1946, tự tay Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Lời kêu gọi này lần đầu tiên được tăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 27/3/1946.
Với mỗi một tầng lớp nhân dân, Người luôn đưa ra những căn dặn cụ thể. Ví dụ như với học sinh, sinh viên, Bác viết: “tập thể dục kết hợp với gìn giữ vệ sinh chung và riêng, trí dục, mỹ dục, đức dục”; Đối với các thế hệ thanh niên, Người chỉ rõ: “Thanh niên phải rèn luyện thể dục thể thao vì thanh niên là tương lai của đất nước”.
Đối với lực lượng vũ trang, Người chủ trương: “Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao trong quân đội, làm cho quân đội chúng ta có thể chất khoẻ, tinh thần khoẻ để làm tròn mọi nhiệm vụ”.
Với đại bộ phận quần chúng nhân dân, Bác yêu cầu các cán bộ thể dục thể thao phải “có bổn phận tổ chức cho toàn thể đồng bào cùng tập luyện.”
Trong những bức ảnh hay tư liệu lịch sử còn lưu lại, người ta thấy Bác Hồ không chỉ luyện tập thể dục thể thao mà còn hướng dẫn, sửa chữa những động tác sai trong khi tập thể dục, luyện võ cho những người xung quanh mình.
Những môn thể thao Bác thường luyện tập là võ thuật, bóng chuyền, bơi lội, cờ tướng và điền kinh, chưa kể Người rất quan tâm tới bóng đá, bi-a.
Có lẽ với Bác, rèn luyện thể dục thể thao là lẽ sống, là điều hiển nhiên để có thể đảm bảo được sức khoẻ tốt nhất phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Chính điều đó đã mang lại cho dân tộc Việt Nam một vị lãnh tụ vĩ đại, có một trí tuệ mẫn tiệp bên trong một cơ thể khoẻ mạnh, dẻo dai. Và bài học về rèn luyện thân thể của Bác cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.