Từ tháng 12/2021, nhiều chính sách nổi bật liên quan đến vận động từ thiện, bảo hiểm, thuế, công chức, viên chức chính thức có hiệu lực.
Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước
Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP, trong đó quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thời gian áp dụng từ ngày 01/12/2021 - 31/05/2022. Cụ thể, từ 1/12/2021 đến 31/5 năm sau, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ôtô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%.
Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ. Hiện mức lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con.
Xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số vàng
Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021 thay vì nền màu trắng như trước đây.
Nội dung này được Bộ Công an ban hành tại Thông tư 58/2020/TT-BCA. Theo đó, những loại xe phải đổi sang biển số nền màu vàng bao gồm: Xe taxi; xe khách tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe buýt tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh); xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; xe chở khách du lịch.
Nếu không thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12/2021, chủ xe sẽ bị phạt từ 02 - 04 triệu đồng nếu là cá nhân và từ 04 - 08 triệu đồng nếu là tổ chức do không chấp hành đúng quy định về biển số (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Siết chặt quy định cá nhân quyên góp từ thiện
Theo Nghị định 93 có hiệu lực từ ngày 11/12, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có thể vận động quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, khi vận động phải thông báo với ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và công khai trên phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) và thời gian phân phối.
Cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu, không được phép nhận thêm tiền ủng hộ sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận.
Bỏ bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học với công chức, viên chức
Từ ngày 10/12/2021, Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sẽ chính thức có hiệu lực.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Nghị định này là chính thức không còn quy định công chức phải đi học bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học như trước đây, mà chỉ còn phải học bồi dưỡng lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Ngoài ra, Nghị định 89 cũng không còn quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể như Hiệu trưởng các trường công lập thuộc đối tượng phải tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Nghị định 101.
Tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi
Từ ngày 12/12/2021, Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực, áp dụng cho đối tượng là người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Trong đó, tại Điều 3 quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.
Trước đó, theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.