Sau khi mở rộng địa giới hành chính, vùng ven biển phía Đông Nam của tỉnh Lâm Đồng, đang nổi lên như một điểm sáng trong thu hút đầu tư công nghiệp và logistic. Với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, quỹ đất công nghiệp dồi dào, môi trường đầu tư cởi mở, khu vực này sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lợi thế liên kết vùng, hạ tầng kết nối hoàn chỉnh
Vùng ven biển Đông Nam tỉnh Lâm Đồng mới đang sở hữu vị trí cửa ngõ kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là khu vực hội tụ đầy đủ các trục giao thông huyết mạch quốc gia gồm: Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông (Cam Lâm – Vĩnh Hảo – Phan Thiết – Dầu Giây); Quốc lộ 1A, quốc lộ 55, tuyến đường ven biển quốc gia; Cảng quốc tế Vĩnh Tân (đã hoạt động).
Cảng Kê Gà (đang quy hoạch); Sân bay Phan Thiết (đang xây dựng); Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (quy hoạch tương lai). Sự đồng bộ của hệ thống hạ tầng này giúp giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng kết nối chuỗi cung ứng và tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các khu công nghiệp và trung tâm phân phối hàng hóa quy mô lớn.
Trước khi sáp nhập, địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 9 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 3.000 ha, chủ yếu phân bố ven biển hoặc dọc quốc lộ 1A gồm: KCN chuyên ngành; KCN Sông Bình (chế biến titan); 8 KCN đa ngành: Phan Thiết (giai đoạn 1, 2), Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, Tuy Phong, Tân Đức, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2.
Đến nay đã có 7 KCN được triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tổng diện tích gần 1.400 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút các dự án thứ cấp trong các lĩnh vực chế biến – chế tạo, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ logistics. Tính đến tháng 6/2025, các KCN này đã thu hút 93 dự án đầu tư, trong đó có 66 dự án trong nước và 27 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 17.415 tỷ đồng và 328,41 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 11.000 lao động.
Động lực mới từ năng lượng, công nghiệp chế biến sâu
Cùng với hệ thống hạ tầng và chính sách thông thoáng, khu vực còn tạo sức bật nhờ hàng loạt dự án công nghiệp quy mô lớn. Trong đó nổi bật là tổ hợp điện khí LNG Sơn Mỹ với 3 dự án chủ lực: Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I; Nhà máy Sơn Mỹ II; Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ. Tổng vốn đầu tư khoảng 5,4 tỷ USD – đánh dấu sự hiện diện của các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới, mở ra tiềm năng phát triển năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ và logistics khí hóa lỏng.
Bên cạnh đó, khu vực còn hình thành chuỗi liên kết ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư tiêu biểu như: Neotek Việt Nam: đầu tư 88 triệu USD xây dựng nhà máy phụ tùng má phanh ô tô tại KCN Hàm Kiệm II (xuất khẩu sang Mỹ); Right Rich, Thành Vượng, sản xuất nguyên phụ liệu giày da; Nhôm AME, cơ khí lắp ráp linh kiện; Zircon siêu mịn, Pigment TiO2, chế biến titan công nghệ cao; Hải Triều, TransPacific, chế biến thủy sản xuất khẩu.
Trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050
Theo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng mới trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050 tỉnh Lâm Đồng sẽ hoàn thiện đầu tư hạ tầng 9 KCN hiện có và phát triển mới 6 KCN, tổng quy mô gần 4.900 ha; đề xuất bổ sung thêm 6 KCN, diện tích khoảng 3.440 ha và hình thành 1 khu kinh tế ven biển quy mô khoảng 27.000 ha. Khu kinh tế ven biển này sẽ tập trung mời gọi đầu tư vào cảng biển, logistics, công nghiệp điện khí LNG, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến sâu, góp phần định hình Lâm Đồng như cửa ngõ công nghiệp hướng biển của khu vực Tây Nguyên.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi xác định vùng ven biển Đông Nam là khu vực trọng điểm phát triển công nghiệp – dịch vụ – cảng biển trong cơ cấu phát triển không gian kinh tế của tỉnh. Việc hoàn thiện hạ tầng giao thông và mở rộng các khu công nghiệp sẽ giúp Lâm Đồng chủ động đón dòng vốn đầu tư mới, nhất là các dự án FDI và các ngành có giá trị gia tăng cao. Song song với đó, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Với quỹ đất sạch còn lớn, giá thuê hạ tầng cạnh tranh, hệ thống logistics mở rộng và chính quyền thân thiện, vùng ven biển Đông Nam của tỉnh Lâm Đồng mới đang sẵn sàng “đón sóng” đầu tư chiến lược, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu dịch chuyển từ TP. Hồ Chí Minh và vùng công nghiệp truyền thống. Việc hình thành một hành lang công nghiệp – cảng biển – logistics ven biển sẽ là nền tảng để Lâm Đồng bứt phá, đóng vai trò đầu mối công nghiệp quan trọng giữa Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn tới.
Từ một khu vực ven biển còn thưa thớt dân cư và thiếu hạ tầng, vùng Đông Nam tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập đang vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp – dịch vụ – hậu cần chiến lược. Đây là cơ hội lớn để tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng biển, phát triển cân đối các vùng, và góp phần khẳng định vị thế mới của Lâm Đồng trong bản đồ phát triển công nghiệp quốc gia.