Vấn đề quan tâm

Từ những vụ tai nạn thương tâm đến bài học trách nhiệm cho người lớn

Đỗ Việt 21/02/2024 - 14:04

Thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe. Điểm chung của các vụ việc đau lòng này là do sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của người lớn khi vẫn giữ thói quen giao xe cho con em mình.

Cái giá của sự chủ quan

Ngày 20/2, ngành chức năng huyện Chư Prông (Gia Lai) cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Rơ Mah Pil (SN 1986, trú tại làng Tu, xã Ia Lâu, Chư Prông, Gia Lai) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ". Bị can Pil là mẹ ruột của Rơ Ma Tinh (SN 2006), là 1 trong 4 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông) tại xã Ia Lâu hôm 25/10/2023.

tai-nan-giao-thong.jpg
Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 4 người tử vong tại Chư Prông, Gia Lai

Nguyên nhân gây tai nạn giao thông được xác định là người gây tai nạn chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Tinh điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ; Điều khiển phương tiện khi trong người có nồng độ cồn; Chở người quá quy định.

Trên thực tế, đã có nhiều vụ liên quan đến việc người chưa đủ 18 tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và gây tai nạn nghiêm trọng. Đơn cử, ngày 14/2, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 4 thanh thiếu niên đi trên 2 xe máy tử vong trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Trong số 4 nạn nhân có 2 người chưa đủ 18 tuổi.

cao-toc-noi-bai-lao-cai.jpg
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Trong số 4 nạn nhân có 2 người chưa đủ 18 tuổi.

Ngày 10/8/2023, Công an huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Văn T. về hành vi "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ". Theo hồ sơ, ông T. giao xe máy cho con là L.N.H (15 tuổi) điều khiển. Thiếu niên này đã gây tai nạn làm em H.Đ.N tử vong.

Trước đó, ngày 31/5/2023, Công an TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can Trần Hoàng Việt (18 tuổi) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".

Theo điều tra, ngày 07/9/2022, dù biết em P. chưa đủ 18 tuổi, không có giấy phép lái xe nhưng Việt vẫn giao xe máy cho học sinh này điều khiển dẫn đến xảy ra tai nạn nghiêm trọng khiến 4 người bị thương, trong đó có nữ sinh bị chấn thương sọ não nặng, thương tật 97%.

Đến những hình phạt nghiêm khắc

Nhận định về vụ việc người mẹ giao xe cho con trai khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tại Gia Lai, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng hành vi của người mẹ rất đáng lên án dẫn đến hậu quả vụ tai nạn thương tâm, pháp luật đã có chế tài đối với việc giao phương tiện giao thông cho người chưa đủ điều kiện điều khiển, vì vậy hành vi của người mẹ cần phải xử lý nghiêm.

“Đây không những là bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh, mà còn cho cả những thanh thiếu niên còn đang ngồi trên ghế nhà trường cần rút kinh nghiệm khi chưa quá muộn, bởi thói quen giao xe cho con em mình diễn ra rất phổ biến hiện nay, rõ nhất là vào những khung giờ các trường THCS, THPT tan tầm học sinh đi xe trên 50cc, chở hai ba, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, vi phạm nghiêm trọng các quy định khi tham gia giao thông…”, Luật sư Đồng nói.

428198440_1597105834455348_6658414931678800597_n.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Theo Luật sư Đồng, nguyên nhân gây tai nạn giao thông được xác định là người gây tai nạn chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Thiếu niên này đã điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ; Điều khiển phương tiện khi trong người có nồng độ cồn; Chở người quá quy định. Đây là những lỗi tổng hợp rất nghiêm trọng khi tham gia giao thông, vì thế việc cơ quan tố tụng buộc tội vị phụ huynh về “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định.

Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là hành vi của người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ biết rõ một người không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác.

Trong vụ án này, hậu quả khiến tới 04 người thiệt mạng nên người mẹ này có thể sẽ phải đối mặt khung hình phạt theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt từ 02 đến 07 năm. Ngoài trách nhiệm hình sự, người mẹ này còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các gia đình nạn nhân bị thiệt mạng theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, các khoản bồi thường gồm chi phí hợp lý cho việc mai táng đối với các khoản tiền: mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương. Tổn thất tinh thần; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết.

Xây dựng văn hóa giao thông có tính chất đặc biệt quan trọng

Để hạn chế các vụ việc học sinh, người chưa đủ tuổi điều khiển xe môtô, gây ra tai nạn, Thượng tá Tạ Hồng Minh - Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) đã từng nhấn mạnh tại Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”: Ngoài sự cố gắng của cơ quan chức năng thì mỗi gia đình, phụ huynh cần quan tâm và chú ý trong việc giao xe cho con. Tuyệt đối không giao xe khi con chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe theo quy định, đồng thời tạo cho các em có thói quen tham gia giao thông bằng những phương tiện công cộng để đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác.

z4957585524963_301e9bbf13abe809c63cd77a935dd99a-1-.jpg
Thượng tá Tạ Hồng Minh trả lời phỏng vấn PV Báo Công lý tại Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”

Ngoài ra, với những đối tượng từ 18 tuổi trở lên, hay những người lao động tự do, cách tiếp cận có những hạn chế nhất định. Vì vậy, ngoài các biện pháp cơ quan chức năng đang làm, Thượng tá Tạ Hồng Minh cho rằng chính quyền sở tại và các tổ dân phố cũng nên tổ chức những hình thức tuyên truyền để những người lao động có nhiều cơ hội được tiếp cận các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Về lâu dài, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông trong nhà trường có tính chất đặc biệt quan trọng nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do học sinh, sinh viên gây ra.

Như ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc đã từng nhận định “Thượng tôn pháp luật là nền tảng căn bản để ta có văn hóa giao thông. Nếu ta có thói quen tìm hiểu, nắm bắt, chấp hành và cao hơn nữa là thượng tôn pháp luật, văn hóa giao thông sẽ hình thành. Thượng tôn pháp luật không chỉ của những người tham gia giao thông mà đối với mọi tầng lớp nhân dân”.

Cũng theo ông Hùng, một trong những công cụ hữu hiệu trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đó là Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”. Với phương pháp và cách tiếp cận hiệu quả, Bộ tài liệu được gửi tới các cơ quan liên quan, cơ sở giáo dục để thiết kế, lồng ghép vào chương trình giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, nhất là học sinh THPT sẽ trang bị kiến thức và hiểu biết pháp luật sâu sắc hơn nữa cho các em học sinh trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ những vụ tai nạn thương tâm đến bài học trách nhiệm cho người lớn