Mồng bốn Tết, đưa vợ đến thăm nhà một anh bạn nhà báo ở Vân Hồ, bước vào cửa là tôi nói ngay: “Khỏi phải bày vẽ mâm cao cỗ đầy! Chỉ cần cho tôi xin một tách trà nóng”.
Bạn tôi tủm tỉm:
- Tưởng gì! Còn có thứ hơn thế mà nhất định ông sẽ thích. Để tôi mời ông món này, dùng với trà nóng hay đáo để.
Tôi chẳng mấy háo hức. Chắc lại hạt dẻ Mỹ (có chỗ gọi là hạt dẻ châu Phi, hạt dẻ nhe…) như mấy nhà tôi đến trước. Những năm trở lại đây cái món hạt dẻ Mỹ nhưng nghe nói toàn phần đều có xuất xứ từ Trung Quốc này đang trở thành “mốt”, đến mức phát ớn mỗi khi có ai nhắc tới.
Lần này chắc vẫn cái điệp khúc trưởng giả quen thuộc. Trong đầu tôi đã nghĩ thế. Nhưng không. Thứ bạn tôi đem ra là những miếng mứt có chiều dài như ngón tay trẻ con, thái chì, màu vàng ươm, trông rất lạ mắt. Tôi tò mò nhặt lên một miếng ngắm nghía rồi đưa vào đầu lưỡi nhấm nhấm. Rồi sau đó quên cả xã giao, tôi cứ ngồi chén tì tì hết miếng này sang miếng khác. Nó thơm, giòn, bùi, béo... mà lại không quá ngọt, quả là rất lạ miệng. Chiêu vài ngụm nước trà hãm từ chè Thái loại búp hai lá, tưởng như thoát tục lên tiên đến nơi. Thấy tôi cứ sáng mắt xoáy vào đĩa mứt, bạn tôi tủm tỉm nhìn và không giấu được vẻ thích thú hỏi:
- Ông thử đoán xem nó là cái gì?
- Quen lắm nhưng mà lạ lắm. Là cái gì vậy?
Anh cười to:
- Ông này sớm mất gốc quá. Mang tiếng là dân nhà quê chính gốc, đáng bảo tồn, mà không biết mình đang ăn thứ luôn có ê hề ở nhà quê. Trời ạ, nó là cái thứ mà ông và tôi ăn dài cổ hồi bé đấy, đến nỗi ngủ mơ vẫn còn sợ đấy, nhớ xem nào.
Ăn dài cổ chỉ có khoai lang! Thôi chết, khoai lang sấy. Đích thị là khoai lang sấy. Chả thể nào tin được mặc dù nó là sự thật trăm phần trăm. Nhà quê rẻ nhất là khoai lang. Xin nhau cũng được khoai lang. Kinh hãi nhất là phải ăn khoai lang trừ bữa. Cứ phải dài cổ ra mà nuốt. Bữa nào cũng nghẹn! Sau đó bụng nóng cồn cào. Khoai lang là thứ dễ trồng, dễ thu hoạch, nhà nào chả có đầy một gầm giường sau khi cho lợn, ngỗng ăn xả láng…
Thế mà cái thứ củ đẳng cấp hạng bét ấy lại có lúc chễm chệ trong cỗ Tết nhà giầu ở thành phố, trở thành của độc đãi khách quý. Đúng là thời vận không thể nào đoán trước được.
Mà tính chi li ra nào có rẻ. Một lượng khoai sấy chỉ bằng độ một cân khoai củ, ở nhà quê vẫn rộng tay thêm nếm cho nhau, có giá đắt ngang cả cân thịt lợn. Nếu để dễ hình dung hơn-và cũng chua chát hơn- thì nó bằng 10 ngày công - tính ra tiền - của những bà thợ cày thợ cấy bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ sáng đến tối ở quê tôi bây giờ. Ngay cả phép tiên cũng khó làm cho người nông dân tin vào điều đó. Và tôi dám chắc rằng đa số những người dân quê đã có chút của ăn của để bây giờ cũng không dám xa xỉ mua cái thứ mứt chế biến từ khoai lang rẻ như bèo ấy về ăn mấy ngày Tết.
Không đáng bóp đầu nghĩ ngợi mới là chuyện lạ.
Nhưng chuyện nghĩ còn dài thời gian để nói. Bởi tôi dã kịp nhớ lại hai nghịch lý:
Nghịch lý thứ nhất: Bạn tôi ở Pháp về khoe được ăn dưa cải muối của Thái Lan đóng vào túi bóng, giá mỗi túi bằng một bữa ăn tươm tất của một gia đình bốn người ở nông thôn Việt Nam.
Còn nghịch lý thứ hai thì tận mắt tôi thấy (Nếu xem truyền hình thì nhiều người thấy). Đó là cảnh những nông dân Việt Nam băm hàng tấn dưa gang, chém hàng ngàn cây bắp cải, cho bò ăn thanh long, đổ từng xe, từng xe dưa hấu, chất đống bên đường; hoặc cảnh bà con chặt mía về làm củi, vứt lăn lóc nơi vệ đường để may có ai rước cho đỡ mất công chở vứt đi... Vì bán không ai mua, cho không ai lấy. Ngay đến loại quả từng được dùng để tiến vua, gắn với một sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc là quả vải thiều mà có lúc để thối trên cây còn đỡ thiệt hơn là hái xuống.
Nhiều nơi vì thế mà vụ đông họ thà để ải đất, coi như bỏ không... Trong khi ai cũng biết đất ở nông thôn luôn chật chội?
Nhiều người nông dân vì thế mà thành cửu vạn, ăn vật nằm vạ nơi đầu đường góc phố, gây ra biết bao là sự méo mó về lối sống, văn hóa… vì không sống nổi một cách lương thiện ở ngay trên quê hương mình.
Cả hai thứ vừa kể đều là nghịch lý do con người chủ động tạo ra nhưng nó đáng để chúng ta cùng suy nghĩ. Trong những lý do đẩy người nông dân của chúng ta ùn ùn bỏ ra phố, không màng đến thứ từng quý như vàng với họ là đất đai, thì lý do chủ yếu là ngày công lao động của họ ở nhà quê quá rẻ mạt. Tức là giá trị sinh lợi trên một đơn vị đất nông nghiệp quá thấp. Trong khi đó người viết bài này từng nghe nói nông dân Do Thái đã đạt một triệu USD cho một ha đất cằn cỗi của họ. Còn chúng ta, con số đó là bao nhiêu?
Chuyện đó cũng còn phải bàn dài. Nhưng từ ví dụ về miếng khoai sấy và túi dưa muối (chứ chưa dám nói đến một chai rượu vang Pháp hay Chile có giá bèo nhất cũng ngang một tạ thóc) cho thấy không phải là không có lối thoát nghèo đói cho nông dân. Vấn đề chỉ còn lại là bao giờ chúng ta mới nghiêm túc nghĩ đến điều vô cùng cấp thiết, thậm chí là sống còn này để mơ tới một nông thôn mới thực sự? Bởi vì nếu chỉ sản xuất mà không nghĩ đến chế biến, chúng ta đã biếu không ba phần tư công sức của hàng triệu nông dân - cùng với ngần ấy giá trị tài nguyên đất đai - cho người ngoài.