Từ chuyện cô gái dân tộc Ê-đê đăng quang Hoa hậu: Phép màu là có thật

Hà Thu| 08/01/2018 11:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

H’ Hen Niê bây giờ đã có thể tự tin đứng trước bố mẹ, đứng trước buôn làng của mình mà nói thật to rằng “Con đã làm được rồi”.

Vượt qua bao người đẹp xuất sắc khác, H’Hen Niê là cô gái người dân tộc thiểu số đầu tiên đăng quang một cuộc thi nhan sắc lớn như thế, và còn nối dài giấc mơ ấy trên đấu trường quốc tế.

Từ chuyện cô gái dân tộc Ê-đê đăng quang Hoa hậu: Phép màu là có thật

H'Hen Niê đăng quang Hoa hậu hoàn vũ Viêt Nam 2017

Việc H’Hen Niê đăng quang Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 giống như một câu chuyện cổ tích đẹp giữa hàng loạt những scandal, thị phi của showbiz, nhất là khi người ta đã quá ngán ngẩm và không còn mấy quan tâm đến các cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước. Có mặt ở nơi diễn ra đêm chung kết Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam năm 2017, tôi đã nhìn thấy nhiều người đã thực sự vỡ òa cảm xúc, đã có những giọt nước mắt rơi, đã có những tiếng hò reo sung sướng khi tên của cô gái người dân tộc Ê-đê được xướng lên ở vị trí cao nhất. Và tình bạn, tình yêu là có thật ở showbiz vốn lắm thị phi, tai tiếng và những điều không thật.

Công tâm mà nói, so với các đối thủ khác, H’ Hen Niê chưa phải là trội hơn hẳn. Nhan sắc và tri thức, cả hai yếu tố này ở cô gái người dân tộc Ê-đê cũng không thể nói là mạnh hơn một vài nhân tố mà truyền thông đã nhắm tới từ trước. Tuy nhiên, H’Hen Niê lại có được cái mà nhiều đối thủ của mình chưa làm được, chưa đủ mạnh để thuyết phục ban giám khảo gồm 7 người có tên tuổi, trong số đó lại có một nhân vật được cả thế giới biết đến. Điều mà H’Hen Niê làm được và làm hơn các thí sinh khác chính là trái tim nhân ái và sự chân thành xuất phát từ trái tim của chính cô, mà nói như Phan Anh thì “không có thứ ngôn ngữ nào” hơn những thứ xuất phát từ trái tim.

Còn bà Xuân Trang, trưởng Ban giám khảo cuộc thi thì nhận xét đây là cô gái có sức hút đặc biệt, có khả năng lan tỏa những điều tốt đẹp đến cho cộng đồng, và cho mọi người. Như chia sẻ của H’Hen Niê sau khi đăng quang, cô mong muốn trở thành người truyền lửa tới người dân tộc Ê-đê, nhất là người phụ nữ Ê-đê về sự cố gắng, nỗ lực không ngừng để vươn lên trên mọi hoàn cảnh, không đi theo lối tư duy cổ hủ là không phải học gì nhiều, 15 hay 16 tuổi sẽ lấy chồng rồi sinh con, v.v…Chính Tân Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 đã từng rơi vào hoàn cảnh đó, nhưng H’Hen Niê đã không lùi bước để bây giờ có được thành tích như mọi người biết.

Từ chuyện cô gái dân tộc Ê-đê đăng quang Hoa hậu: Phép màu là có thật

Hoa hậu Hương Giang

Năm 2009, nếu đem so Siêu mẫu-Á hậu Hoàng Yến với cô hoa hậu “cấp tỉnh” Hương Giang thì khác gì một bên là bà hoàng trên đỉnh cao quyền lực-sự nghiệp, một bên là cô thôn nữ quê mùa. Hương Giang từng thất bại rất nhiều ở những cuộc thi sắc đẹp trong nước lẫn châu lục trước đó, khuôn mặt tròn đầy quá bình thường, cùng một phong thái không mấy nổi bật, cuốn hút. Thế nhưng thông tin Hương Giang được thi Miss World 2009 bị người người chê cười, truyền thông làm ngơ vì nghi ngờ về việc cô sẽ làm nên chuyện ở cuộc thi lớn thế giới này.  Họ có quá ít thông tin về cô ngoài danh hiệu Top 10 Hoa hậu Việt Nam và giải Á hậu tại một cuộc thi sắc đẹp dành cho người Việt ở nước ngoài. Nhưng việc “phớt lờ” Hương Giang chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Vì ngay sau đó, với chiều cao nổi bật 1,8m, số đo ba vòng 86-62-92, đại diện của Việt Nam trở thành ứng viên sáng giá của mùa giải năm đó.

Trong các phần thi phụ, Hương Giang lần lượt lọt vào top 12 Hoa hậu Biển, Á hậu 1 Hoa hậu Thời trang và là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu Hoa hậu ở khu vực châu Á. Hương Giang đã lọt vào Top 16 chung cuộc. Cùng năm, cô được trang web uy tín về sắc đẹp Globalbeauties xếp vị trí thứ 6 và là Hoa hậu đẹp nhất châu Á. Hương Giang trở thành người đẹp Việt Nam tạo được dấu ấn lớn nhất cho đến tận bây giờ trên đấu trường sắc đẹp quốc tế.

Hương Giang là người đẹp đúng nghĩa là "from zero to hero",  từ một cô gái bị cả nước ghẻ lạnh, xem thường; bỗng chốc thành niềm tự hào quốc gia, và trở thành một tượng đài của các hoa hậu Việt Nam.

Kịch bản người đẹp đi thi bị truyền thông phớt lờ gây bất ngờ, còn người “cờ rung trống đánh” lại trắng tay được lặp lại vào năm 2015 khi Hoa hậu Phạm Hương áp đảo truyền thông, được nhắc đến rầm rộ; còn Lan Khuê thì lầm lũi đi thi, chịu nhiều thiệt thòi thì kết quả lại ngược lại. Lan Khuê lọt vào top 11 Hoa hậu thế giới còn Phạm Hương lại trắng tay.

Hay như trường hợp của Diệu Ngọc, không được truyền thông rầm rộ, cô đã tự lực để là người chạm vào tay vương miện Hoa khôi áo dài 2016 và trở thành đại diện Việt Nam đi thi Miss World cùng năm đó. Trường hợp của Siêu mẫu Khả Trang, dù chẳng được chú ý nhiều,thậm chí là phản đối người mẫu đi thi hoa hậu nhưng cô cũng đã ghi dấu ấn với giải thưởng Trang phục dân tộc đẹp nhất và lọt top 25 Hoa hậu Siêu quốc gia 2016. Đây là một số trường hợp người đẹp “tay không bắt giặc” đi thi các cuộc thi nhan sắc, để nói rằng chúng ta có thể kỳ vọng và đặt niềm tin ở H’Hen Niê, người vừa làm nên lịch sử của cuộc thi nhan sắc trong nước khi có một cô gái người dân tộc thiểu số đăng quang, thậm chí đăng quang khi sở hữu mái tóc nam tính.

Từ chuyện cô gái dân tộc Ê-đê đăng quang Hoa hậu: Phép màu là có thật

Trước khi đăng quang Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam, H’Hen Niê từng trải lòng: “Còn nhiều điều kìm hãm mình. Do Hen là một cô gái Ê Đê, cái tính thật thà, hiền lành vẫn còn nên nếu trở thành hoa hậu Hen vẫn cần thêm thời gian để mài giũa”. Đúng vì cái tính thật thà, hiền lành của H’Hen Niê mà nhiều người cho rằng cô sẽ không thể là người chiến thắng, mọi sự dự đoán để tập trung ở những cái tên khác. Thế nên, khi MC chương trình công bố người giành chiến thắng là H’Hen Niê, tất cả đều vỡ òa khi hiểu rằng cô ấy đã làm được và phép màu là có thật. Ngày thời khắc đăng quang, H’Hen Niê đã nói rất to trong mic, trước mặt mọi người và đặc biệt là trước bố mẹ: “Bố mẹ ơi, buôn làng ơi, con đã làm được, mọi người ơi, Hen đã làm được. Hen sẽ là người truyền lửa cho các cô gái Ê-đê khác”.

Đây cũng chỉ là sự khởi đầu cho một chặng đường dài ở phía trước, thế nhưng H’Hen Niê, với nguồn năng lượng, sự nhiệt huyết và trái tim chân thành, cô gái người dân tộc Ê-đê này sẽ còn làm được hơn thế nữa, để nối dài phép màu.

Từ chuyện cô gái dân tộc Ê-đê đăng quang Hoa hậu: Phép màu là có thật

Thân hình nóng bỏng của Tân Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017

Những điều thú vị của Tân Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017:

1. Hoa hậu người dân tộc thiểu số đầu tiên

H'Hen Niê, sinh năm 1992 là người dân tộc thiểu số đầu tiên đăng quang Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam  nói riêng và các cuộc thi nhan sắc nói chung.

2. Từng bị bắt nghỉ học, ở nhà lấy chồng

Năm 13 tuổi, H'Hen Niê bị mẹ la vì... chưa có bạn trai, học tới lớp 12 thì bị bắt nghỉ ở nhà lấy chồng. Nhưng H’Hen Niê đã vượt qua tất cả, làm trái lại lời yêu cầu của gia đình khi tự mình đi thi và tiếp tục con đường học vấn sau khi thi đỗ vào trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại.

3. Vượt mặt hai quán quân Vietnam's Next Top Model

Năm 2015, H'Hen Niê từng khóc nức nở khi dừng chân ở top 8 Vietnam's Next Top Model. Trong khi đó, hai Á hậu 1 và Á hậu 2 là Hoàng Thùy và Mâu Thủy lại là hai quán quân của Vietnam's Next Top Model. 

4. Sinh ra trong gia đình nông dân, có 6 anh chị em

Theo tiết lộ của bố đẻ của Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, H'Hen Niê là con gái thứ 3 trong gia đình. Khi cô con gái đăng quang, bác cho biết thấy con khóc cũng khóc theo nhưng không biết con được giải gì.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ chuyện cô gái dân tộc Ê-đê đăng quang Hoa hậu: Phép màu là có thật