Việc triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ đối với ĐVSNCL bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Cơ chế tự chủ đã tạo hành lang cho các đơn vị sự nghiệp công phát triển, giảm áp lực cho NSNN.
Ảnh minh hoạ
Bước đột phá mới
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) được đánh giá là bước đột phá mới trên lộ trình đổi mới toàn diện, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp. Nghị định 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP theo hướng quy định các vấn đề chung, làm căn cứ cho các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các Nghị định riêng quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể. Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các ĐVSNCL; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Cơ chế, chính sách này nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành khi tạo hành lang cho các đơn vị sự nghiệp công phát triển, giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước…
Theo cơ chế tự chủ đối với ĐVSNCL tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, cơ cấu và phương thức của ngân sách nhà nước cụ thể như sau:
Đối với dịch vụ công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước: Các đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do Nhà nước quy định, phải tự cân đối thu, chi; NSNN không hỗ trợ.
Đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước: Đối với đơn vị được Nhà nước giao cung cấp dịch vụ công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí: sẽ được NSNN hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình. Ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với đơn vị được Nhà nước giao dự toán theo nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người trong các lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, y tế dự phòng, văn hoá, thể dục, thể thao, bảo đảm xã hội, sự nghiệp kinh tế,..., trên cơ sở số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, Nhà nước thực hiện phương thức hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo để "mua" dịch vụ sự nghiệp công từ thị trường.
Thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ, đầu tư từ NSNN trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập như hiện nay (để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao và thực hiện việc miễn, giảm giá dịch vụ cho các đối tượng chính sách xã hội và người nghèo) sang thực hiện phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công dựa trên số lượng và chất lượng dịch vụ đơn vị cung cấp, trong đó khuyến khích đẩy mạnh thực hiện phương thức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh, minh bạch trên cơ sở không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập.
Tác động tích cực
Theo ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ đối với ĐVSNCL bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định: Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
Các bộ đã trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong 5 lĩnh vực còn lại (y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục nghề nghiệp; thông tin truyền thông và báo chí; giáo dục đào tạo).
Về ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công, tại Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 7 Quyết định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của các bộ, cơ quan Trung ương. Ở địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh Tiền Giang, Sơn La, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng đã ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công.
Về ban hành quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL ở Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 6 Quyết định quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL của 4 bộ: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ở địa phương, Chủ tịch UBND 7 tỉnh đã ký ban hành Quyết định quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp của tỉnh.
Về ban hành văn bản hướng dẫn của các bộ, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BNV ngày 25/5/2016 hướng dẫn về thành lập và hoạt động của Hội đồng quản lý trong ĐVSNCL.
Một số bộ đã ban hành một số định mức kinh tế - kỹ thuật và đang tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung. Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 và Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 và đang hoàn thiện, dự kiến sẽ sớm ban hành.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy tính đến cuối năm 2016, có 57.171 đơn vị sự nghiệp đã được giao cơ chế tự chủ tài chính theo các mức độ khác nhau. Cụ thể tự chi đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư có 123 đơn vị, chiếm tỷ lệ 0,22%; Tự chi bảo đảm chi thường xuyên có 1.934 đơn vị, chiếm tỷ lệ 3,38%. Tự đảm bảo một phần chi thường xuyên có 12.968 đơn vị, chiếm tỷ lệ 22,68%. Số còn lại 41.146 đơn vị, chiếm tỷ lệ 73,73% do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.
PGS.TS Nguyễn Trường Giang (Bộ Tài chính) đánh giá, những đổi mới về chính sách đã đem lại những tác động tích cực đối với ĐVSNCL. Cụ thể các ĐVSNCL được giao quyền tự chủ tài chính đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí NSNN giao để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, phát triển nguồn thu. Tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp chủ động sử dụng nguồn tài chính, lao động, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động phân bổ nguồn tài chính của đơn vị theo nhu cầu chi tiêu đối với từng lĩnh vực trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực hiệu quả.
Bên cạnh đó, trên cơ sở mở rộng các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu cùng với nguồn kinh phí NSNN giao đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội; tạo điều kiện cho người dân ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng ngày càng cao. Từng bước giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan quản lý cấp trên; tăng cường phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về : mua sắm, sửa chữa thanh lý tài sản; thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn...từng bước xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các hoạt động sự nghiệp.
Ngoài ra, cơ chế tự chủ tạo điểu kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý chất lượng hoạt động sự nghiệp; yêu cầu về công khai minh bạch trong tổ chức sắp xếp công việc, nhân sự chi tiêu tài chính được thực hiện tạo không khí đoàn kết, phấn khởi trong nội bộ đơn vị.
Cơ chế tự chủ cũng đảm bảo thu nhập bình quân của người lao động từng bướ được cải thiện, việc chi trả thu nhập cho từng người lao động trong đơn vị do Thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chi tiêu nội bộ gắn với hiệu suất công việc.