Tự chủ đại học: Vai trò của hiệu trưởng vô cùng quan trọng

Xuân Diệp| 21/10/2017 10:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của tự chủ đại học chính là hiệu trưởng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hiệu trưởng vẫn còn e dè, băn khoăn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.

Để thực hiện được thành công việc thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng  Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các hiệu trưởng trong thực hiện tự chủ.

“Tinh thần tự chủ đại học nói từ đầu đến giờ mới chỉ là xoá bỏ những can thiệp hành chính không cần thiết của cơ quan chủ quản, Bộ GD-ĐT vào hoạt động nhà trường. Nhưng tự chủ phải đi xuống từng trường đại học, đến tận khoa, bộ môn, giảng viên một cách xuyên suốt”, Phó Thủ tướng nói.

Tự chủ đại học: Vai trò của hiệu trưởng vô cùng quan trọng

Để thực hiện được tự chủ đại học vai trò, trách nhiệm của các hiệu trưởng rất lớn. Ảnh Ngô Chuyên.

Cũng theo Phó Thủ tướng, lãnh đạo các trường đại học, trực tiếp nhất từ các hiệu trưởng phải thay đổi tư duy trong thực hiện tự chủ, đơn cử như còn những băn khoăn, e ngại khi thành lập Hội đồng trường.

“Luật đã có quy định nhưng Hội đồng trường phần lớn chưa lập, hoặc lập ra rồi nhưng chưa đúng là cơ quan quyền lực thì không được. Hội đồng trường phải có quyền quyết định tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Có ý kiến lo lắng về sự chồng chéo trong phối hợp giữa Hội đồng trường với Đảng ủy trường khi thực hiện công tác nhân sự, lãnh đạo, chỉ đạo. Thực tế quyết định về nhân sự luôn phải có sự xem xét, cho ý kiến của Đảng ủy khi tiến hành quy trình bổ nhiệm theo quy chế hoạt động của trường”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Điểm rất quan trọng được Phó Thủ tướng đề cập đến là yêu cầu cấp thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử giống như “bộ luật” của mỗi trường đại học. Bộ quy tắc này cần cụ thể, chi tiết nhất có thể về tất cả các mặt như quy trình tuyển người, phân bổ thu nhập, đánh giá thi đua, khen thưởng…

Tự chủ đại học: Vai trò của hiệu trưởng vô cùng quan trọng

Ảnh minh họa.

“Bộ quy tắc này được xây dựng, thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, Hội đồng trường và là căn cứ để thực hiện giám sát nội bộ, giải trình trách nhiệm với xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, các trường tự chủ cần có cơ chế, lập các quỹ học bổng, hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận ĐH cho đối tượng chính sách.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng lưu ý là cần đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng các trường đại học. Tự chủ phải đi với giải trình trách nhiệm với xã hội, để sao cho trường đại học nơi thể hiện một môi trường làm việc sáng tạo, khoa học, văn minh. Là thiết chế của dân tộc, đất nước này, và nếu vươn lên đẳng cấp, thì đó sẽ là của thế giới.

“Việc thực hiện thí điểm tự chủ đại học do lúc đầu còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng qua tổng kết chúng ta thấy rằng cần làm tiếp. Bộ GD-ĐT cần tiếp thu, tổng kết các ý kiến để báo cáo Chính phủ để cho phép các trường tiếp tục thực hiện tự chủ và lan toả tinh thần này để tất cả các trường đại học đều phải tự chủ theo đúng nghĩa. Chúng ta buộc phải làm mạnh mẽ hơn. Các trường đại học của Việt Nam không thực hiện tự chủ, không thành các trường mạnh thì nhân lực chất lượng cao sẽ không như mong muốn. Đây là trách nhiệm vì đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự chủ đại học: Vai trò của hiệu trưởng vô cùng quan trọng