Mặc dù kết quả thanh tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (TCĐCKSVN) kết luận Cty CP QL đường bộ và XD công trình TT-Huế (CTQLĐB TT-Huế) có nhiều sai phạm, nhưng đến nay chưa được khắc phục mà ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 689/QĐ-ĐCKS ngày 20/6/2017 của Tổng cục trưởng TCĐCKSVN “về việc thanh tra chuyên đề quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh TT-Huế”, từ ngày 03-14/7/2017, Đoàn thanh tra của TCĐCKSVN đã tiến hành thanh tra hoạt động khai thác, sử dụng đá làm vật liệu xây dựng thông thường mỏ Nam Khe Ly, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế của CTQLĐB TT-Huế, theo Giấy phép số 982/GP-UBND ngày 05/6/2012 (diện tích: 9,99 ha; mức sâu khai thác: +10 m; trữ lượng khai thác: 1.904.000 m3; công suất khai thác: 90.000 m3/năm; thời hạn khai thác 21 năm, đến tháng 6 năm 2033).
Kết luận nêu rõ những tồn tại, vi phạm của CTQLĐB TT-Huế, gồm: Công tác bóc tầng phủ còn chậm, chưa kịp tiến độ phát triển công trình mỏ, dễ nguy cơ mất an toàn trong hoạt động khai thác; việc quy hoạch bãi thải chưa tốt, đất đá thải đổ chưa đúng với quy hoạch; việc áp dụng thiết kế vào hoạt động khai thác còn hạn chế, một số thông số của hệ thống khai thác chưa phù hợp thiết kế mỏ và quy chuẩn Việt Nam, có thể gây nguy cơ mất an toàn trong khai thác.
Chưa thực hiện cắm đầy đủ các biển báo an toàn ở khu vực khai trường và tuyến đường vận chuyển nội bộ mỏ; việc xử lý nước mưa chảy tràn qua khu vực khai thác, chế biến thực hiện chưa triệt để dẫn đến nhiều lúc còn gây ô nhiễm Khe Ly.
Bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản đã được lập nhưng còn một số nội dung chưa phù hợp theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-BTNMT ngày 01/3/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Kết luận thanh tra số 3816/KLTTr-ĐCKS của TCĐCKSVN.
Qua đó, Tổng cục trưởng TCĐCKSVN yêu cầu CTQLĐB TT-Huế: Rà soát, điều chỉnh thiết kế mỏ (thiết kế bản vẽ thi công) phù hợp với dự án đầu tư đã được phê duyệt và Giấy phép được cấp quy định, nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trước mắt, ưu tiên bóc tầng phủ để mở rộng khai trường, quá trình bóc tầng phủ và khai thác phải thực hiện đồng bộ, đồng thời với cải tạo các thông số, yếu tố của hệ thống khai thác như chiều cao tầng, góc nghiêng sườn tầng, chiều rộng mặt tầng phù hợp với thiết kế mỏ để đảm bảo an toàn, không được khai thác xuống dưới mức sâu +10m.
Thực hiện cắm đầy đủ các biển báo an toàn ở khu vực khai trường và tuyến đường vận chuyển nội bộ mỏ; cần chú ý xây dựng các công trình thu gom xử lý nước mưa chảy tràn qua khu vực khai thác, chế biến để không làm ảnh hưởng đến Khe Ly; phải ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế để vận chuyển và xử lý chất thải.
Trong quá trình lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản cần thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-BTNMT ngày 01/3/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thu gom triệt để và xử lý chất thải nguy hại theo quy đinh.
Bên cạnh đó, TCĐCKSVN còn đề nghị UBND tỉnh TT-Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương nơi có khoáng sản giám sát việc khắc phục các tồn tại, vi phạm của CTQLĐB TT-Huế tại mỏ đá Nam Khe Ly. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày ký Kết luận thanh tra, CTQLĐB TT-Huế phải thực hiện các yêu cầu nêu trên và báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện cho TCĐCKSVN, UBND tỉnh. Trường hợp Công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, TCĐCKSVN sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Xe Howo chiều cao 4m dưới hố “tử thần” và bản thiết kế cho phép khai thác độ sâu 10m.
Thế nhưng sau khi có kết luận, CTQLĐB TT-Huế vẫn sử dụng bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt khu vực được phép khai thác từ năm 2012; thiết kế kỹ thuật khai khác lộ thiên mỏ đá Nam Khe Ly từ năm 2012 (không sửa đổi theo yêu cầu của TCĐCKSVN). Đồng thời, CTQLĐB TT-Huế khai thác mỏ đá Nam Khe Ly đã tạo ra hố “tử thần” hơn 50m (vượt quá độ sâu cho phép hơn), khoảng cách cắt tầng có cự ly từ 10 - 25m (sai thiết kế cho phép), đường để xe vận chuyển đá từ mỏ lên có chiều rộng khoảng 4m (sai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) và không lắp rào chắn bảo vệ. Đến nay, địa điểm này đã không còn khai thác nhưng công ty vẫn chưa hoàn thổ, trả lại mặt bằng và cải tạo lại môi trường.
Từ khi có kết luận đến nay đã gần 2 năm, các sai phạm của CTQLĐB TT-Huế không những không được khắc phục mà diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong quá trình khai thác đã xảy ra tình trạng sạt lở nguy hiểm và gây tai nạn cho người lao động, nhưng công ty không đưa những vụ việc này vào báo cáo hàng năm cho các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, ông Trần Hữu Ân - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế trả lời phóng viên, từ năm 2012 - 2019, CTQLĐB TT-Huế chỉ ký hợp đồng nguyên tắc hai năm 2017 và 2018 nhưng không thực thi, do công ty này không báo khối lượng chất thải cần vận chuyển và xử lý nên không đạt được thỏa thuận chi tiết về giao dịch. Những hành vi này cho thấy, CTQLĐB TT-Huế không chỉ thờ ơ với kết luận của Tổng cục trưởng TCĐCKSVN mà còn báo cáo sai sự thật, đối phó và trốn tránh nghĩa vụ khắc phục, cải tạo môi trường, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh.
Thiết kế kỹ thuật khai thác lộ thiên mỏ đá Nam Khe Ly năm 2012.
Theo người lao động tại mỏ đá Nam Khe Ly, hiện nay Công ty Minh Kiến (đơn vị thuê lại mỏ đá) vừa được cấp phép nổ mìn nên đã bắt đầu khai thác. Do đó, dư luận đang hoài nghi có hay không việc chính quyền “bao che” để CTQLĐB TT-Huế sai phạm kéo dài?
Báo Công lý đề nghị TCĐCKSVN vào cuộc xem xét những vấn đề còn tồn tại của CTQLĐB TT-Huế tại mỏ Nam Khe Ly. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh TT-Huế cần sớm có giải pháp kiên quyết, xử lý những sai phạm đã được phản ánh qua loạt bài liên quan.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.