Ngày 29/8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ tiếp nhận đất thiêng từ Trường Sa và thực hiện các nghi thức trang trọng nhất để hòa đất thiêng vào đàn Xã Tắc (TP. Huế).
Trong khuôn khổ chương trình “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa”, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Tỉnh đoàn TT- Huế và Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức lễ tiếp nhận đất thiêng Cố đô Huế gửi Trường Sa. Hôm nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ tiếp nhận đất thiêng từ Trường Sa vào đàn Xã Tắc.
Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và ông Lê Thế Chữ- Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Tuổi Trẻ (bên trái) tiếp nhận đất thiêng từ Trường Sa.
Tại buổi lễ, ông Lê Thế Chữ - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ chia sẻ, mỗi nắm đất Trường Sa đều có máu, mồ hôi, công sức của bao thế hệ đã hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, có lời thề xả thân giữ gìn biển đảo quê hương, còn người, còn đảo, một tấc không đi, một ly không dời. Để có đất nước thống nhất hôm nay, chúng ta phải luôn chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại diện lãnh đạo tỉnh hòa đất thiêng vào đàn Xã Tắc
Đàn Xã Tắc được xây dựng từ cuối mùa xuân năm 1806. Đàn nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc "tả Tổ, hữu Xã" (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống. Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của Cố đô Huế. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa Xuân và mùa Thu. Đàn Xã tắc tượng trưng cho đất đai của cả nước, trở thành biểu tượng thiêng liêng của quốc gia.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết đây là hoạt động ý nghĩa, khẳng định chủ quyền non sông liền một dải từ đất liền ra biển đảo, khẳng định khát vọng về một vùng biển hòa bình, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ, đồng bào đang ngày đêm bám biển và khẳng định chủ quyền biển đảo.