TS Võ Trí Thành: Chuyển đổi số cần rất nhiều tiền là ý nghĩ không hoàn toàn đúng

NGÔ CHUYÊN| 15/04/2021 14:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay, tại Hà Nội Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Diễn đàn “Kinh tế số và Thương mại điện tử”.

ts-vo-chi-thanh.jpg
TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. Ảnh Ngô Chuyên.

Hiện nay, chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của cách mạng 4.0 và cú huých tái bùng phát của đại dịch, thế giới đang ở một điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.

Đồng thời, quá trình chuyển đổi số cũng đưa ra cho doanh nghiệp nhiều thách thức liên quan đến các vấn đề như: vốn, công nghệ.... 

Trước những thắc mắc đó, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ: “Người ta thường nghĩ chuyển đổi số cần rất nhiều tiền là ý nghĩ không hoàn toàn đúng”.

Lý giải về luận điểm của mình đưa ra, TS Thành nói: "Như chúng tôi quan sát và nhận thấy rằng: sản phẩm, kinh nghiệm, nguồn lao động, chất lượng nguồn nhân lực, cách thức sản xuất kinh doanh đâu là vấn đề được doanh nghiệp lựa chọn làm trước mới là quan trọng".

“Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp mà tôi quan sát bước đầu họ làm là sản phẩm. Họ tạo ra thị phần, doanh thu từ đó họ dùng tiền đó để đầu tư”, TS Thành chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng đưa ví dụ: hiện chúng ta có thể quan sát rõ nhất là Tập đoàn Vingroup khi chuyển sang lĩnh vực mới họ không vứt bỏ các lĩnh vực cũ của mình trước đó.

“Bởi lĩnh vực cũ là “con gà đẻ trứng vàng”, dẫu họ sản xuất ô tô nhưng họ vẫn chú trọng vào lĩnh vực bất động sản”, ông Thành phân tích.

Hay FPT họ có thể bán hết các cửa hàng nhưng họ không bán hết bởi đó là nguồn tiền thu để FPT dùng vào việc đổi mới sáng tạo và làm công nghệ số, đó là cách mà gắn với chiến lược của doanh nghiệp.

TS Thành cũng nhấn mạnh: “Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, tư duy chiến lược lớn, thiết thực, có hiệu ứng lan tỏa tốt”.

Theo các chuyên gia, có hai cách một để doanh nghiệp chuyển đổi số. Thứ nhất là doanh nghiệp có thể tự mình thuê chuyên gia trong nước. Cách thứ 2 là thuê chuyên gia nước ngoài.

Tuy nhiên các chuyên gia nhấn mạnh, có hai điểm rất quan trọng doanh nghiệp cần lưu ý.

Thứ nhất trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần có sự phản biện các chuyên gia, phản biện đề án, cách làm mới.

"Bởi vì chuyên gia nước ngoài giỏi, họ có nền tảng tốt nhưng họ chưa chắc hiểu thực tiễn, thể chế Việt Nam đó là điểm đáng lưu ý", ông Thành nói.

Thứ 2 những chuyên gia được mời về làm cố vấn, đào tạo phải là những người hỗ trợ, kết nối tốt được với những tập đoàn, con người làm thật.

Bởi kinh nghiệm cho thấy, các hoạt động chuyển đổi số, các dự án nếu doanh nghiệp không làm quyết liệt thì rất khó để triển khai và biết được thành bại của dự án đó.

Tuy nhiên khi các doanh nghiệp triển khai, truyền thông nếu thiếu sự đàng hoàng, chuyên nghiệp làm thui chột cạnh tranh.

Mặt khác nữa, doanh nghiệp không chỉ bỏ tiền của mà họ còn phải gắn vào xây dựng ý tưởng, chiến lược.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, một khâu quan trọng nhất của quy hoạch chiến lược muốn thực hiện tốt là phải có phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm là nơi có những người hoạch định chính sách, nhà đầu tư, các chuyên gia…. mục đích là định vị, xây dựng chiến lược và cách làm thực thi.

Cũng tại Diễn đàn “Kinh tế số và Thương mại điện tử” này, nhiều chuyên gia theo dự báo, chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021, tạo xung lực mới cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS Võ Trí Thành: Chuyển đổi số cần rất nhiều tiền là ý nghĩ không hoàn toàn đúng