Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Xuân Quỳnh

Hà Thu| 20/04/2017 14:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch nước vừa ký Quyết định truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhà thơ Xuân Quỳnh.

Cụ thể tại Quyết định số 602/QĐ-CTN ngày 30/3/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chính thức truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nữ thi sĩ Xuân Quỳnh với hai tập thơ “Lời ru mặt đất” và “Bầu trời trong quả trứng”.

Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Xuân Quỳnh

Nhà thơ Xuân Quỳnh

Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh (1942-1988) là nhà thơ nữ tiêu biểu của thế hệ sinh ở thập niên 40 và nở rộ với những tác phẩm từ thập kỷ 60 như “Thuyền và Biển”, “Sóng”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Tiếng gà trưa”, “Bầu trời trong quả trứng”… Đặc biệt, Xuân Quỳnh được đánh giá là nữ thi sĩ có nhiều bài thơ tình nổi tiếng được nhiều người biết đến nhất trong làng thơ Việt Nam.

Được biết, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2001. Tháng 4-2016, hồ sơ của nhà thơ Xuân Quỳnh đã vượt qua ba vòng xét duyệt và có tên trong danh sách các hồ sơ đủ điều kiện mà Bộ VHTTDL trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016.

Tuy nhiên, do thiếu giấy xác nhận của Hội Nhà văn Việt Nam về tập thơ thiếu nhi “Bầu trời trong quả trứng”, nhà thơ Xuân Quỳnh đã lỗi hẹn với Giải thưởng này. Sau khi Hội Nhà văn Việt Nam bổ sung giấy xác nhận giải thưởng, Bộ VHTTDL đã tiếp tục trình Thủ tướng xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 cho  nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cũng như nhiều tác giả khác.

Theo tờ trình của Thủ tướng, 7 tác giả được Thủ tướng trình Chủ tịch Nước đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là: Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, đạo diễn Trần Bảng, nhạc sĩ Thuận Yến, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn.

28 tác giả được Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Nước tặng giải thưởng Nhà nước như: Hoạ sĩ Nguyễn Bích, nhạc sĩ Trần Viết Bính, nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thành Đại, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, hoạ sĩ Bửu Chỉ, nhạc sĩ Cao Việt Bách…

Trước đó, khi Bộ VHTTDL công bố danh sách các tác giả được Chủ tịch Nước ký quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt V - năm 2016, dư luận đã bất ngờ khi nhiều nghệ sĩ tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà lại chưa được xét tặng trong đợt này. Trong đó có nhà thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn…

Thông tin này đã khiến gia đình của cố thi sĩ và nhiều văn nghệ sĩ khác sốc. Sau đó, gia đình một số nghệ sĩ đã viết “tâm thư” gửi lên Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị xem xét và giải thích rõ lý do vì sao người thân của họ lại bị “đánh trượt” trong đợt xét tặng này.  Sau những ồn ào, lễ trao giải dự kiến diễn ra vào 11/3 đã phải hoãn lại. 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo Thủ tướng về những bất cập trong lần đầu thực hiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT theo Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Sau khi xem xét sửa đổi một số quy định, 35 trường hợp đặc biệt đã được Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị tặng bổ sung Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Và lần này, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Xuân Quỳnh, tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại làng La Khê, xã Văn Khê, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.

Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã trở nên nổi tiếng như Thuyền và biển, Sóng (viết năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào năm 1968), Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh… Các bài thơ Sóng, Truyện cổ tích về loài người (Lời ru trên mặt đất, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1978) được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt nam. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ: Thuyền và biển (4/1963), Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh.

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước được thành lập để tôn vinh các công trình thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và văn học, nghệ thuật.

Trong đó, lĩnh vực văn học, nghệ thuật bao gồm các hạng mục: sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian, văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật. Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét tặng và công bố 5 năm một lần, Giải thưởng Nhà nước công bố 2 năm một lần. Giải thưởng Hồ Chí Minh đến nay đã trao bốn đợt vào các năm 1996, 2000, 2005, 2012.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Xuân Quỳnh