Đời sống

Trưởng thành sau mỗi trang viết

Đỗ Việt 25/09/2023 06:25

Gần 10 năm làm nghề, công việc viết lách đã giúp tôi tích lũy thêm nhiều kiến thức và vốn sống từ những trải nghiệm thực tế. Đi nhiều nơi, gặp gỡ tiếp xúc nhiều người, phía sau mỗi bài viết là chặng đường “gió bụi” với biết bao kỷ niệm khó quên.

Quyết tâm theo đuổi sự thật

Công tác tại Báo Công lý từ tháng 9/2014, thấm thoắt đến nay tôi cũng đã có gần 10 năm gắn bó với tờ báo. Với nghề viết, con số ấy quả thực không dài, nhưng nó là quãng thời gian để tôi tự mài dũa, trưởng thành hơn sau những va vấp trong nghề. Và cũng trong thời gian ngắn ngủi này, tôi cũng lượm lặt được những kỷ niệm khó quên.

Tháng 4/2018, tôi được giao xác minh phản ánh của một người dân về những tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ ở một địa phương. Sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu, tôi về địa phương để tìm hiểu. Trái với tưởng tượng ban đầu của tôi, người đứng đơn khi gặp nhà báo lại tỏ thái độ lạnh nhạt, thậm chí e dè.

baiviet.jpg
Phóng viên trò chuyện với người dân trong một lần tác nghiệp.

Hỏi ra mới biết, trước đó đã có nhiều nhà báo về xác minh, lấy tài liệu nhưng sau đó thì “bặt vô âm tín”, một đi không trở lại. Điều này đã đặt ra nghi vấn cho người dân và họ bị mất niềm tin.

Sau quá trình xác minh, làm rõ vụ việc, thông tin phản ánh đã được đăng tải khách quan trên Báo Công lý. Khi bài báo xuất bản, cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra và xác định những thông tin báo nêu là hoàn toàn chính xác. Cán bộ vi phạm bị xử lý và điều chuyển sang vị trí khác. Gặp lại tôi sau khi vụ việc đã được giải quyết, người dân mừng mừng tủi tủi, cái bắt tay cảm ơn Báo Công lý, cảm ơn phóng viên mà tự nhiên tôi thấy ấm lòng.

Một kỷ niệm khác, vào tháng 02/2020, phóng viên được giao xác minh trường hợp phản ánh bị giam, giữ trái pháp luật và đánh đập gây thương tích ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Bị hại là một thanh niên vay tiền của người khác nhưng không trả nợ đúng hẹn nên bị chủ nợ “giam lỏng” ép buộc gia đình bị hại phải mang tiền đến trả.

Xác định đây là một vụ việc phức tạp nên quá trình tác nghiệp được Ban Biên tập định hướng, lên kế hoạch chi tiết. Quá trình tìm hiểu, xác minh tỉ mỉ, công phu, cuối cùng sự thật được làm rõ và bài báo được đăng tải. Tuy nhiên sau đó, đối tượng bị phản ánh liên tục “khủng bố”, gọi vào số điện thoại trên đường dây nóng của báo tố cáo phóng viên viết sai sự thật. Thậm chí, người này còn đến tận trụ sở Tòa soạn tìm phóng viên để “nói chuyện”. Đề nghị được gặp lãnh đạo, đưa ra yêu sách phải gỡ bài viết thông tin “sai sự thật”, nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh.

Chưa dừng lại, người bị phản ánh trong bài viết tiếp tục gửi đơn lên Cục Báo chí, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan chủ quản của báo nhằm gây sức ép buộc phải gỡ bài viết. Tuy nhiên, với tinh thần tôn trọng sự thật đến cùng và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo báo, sau nhiều bài viết được đăng trên Báo Công lý, cơ quan tố tụng đã vào cuộc điều tra, tiến hành khởi tố vụ án, bị can, xử lý nghiêm khắc hành vi coi thường pháp luật.

Niềm tin thôi thúc gắn bó với nghề

Gần một thập kỷ gắn bó với Báo Công lý, trong quá trình làm nghề có không ít va chạm, có buồn, có hụt hẫng, có chạnh lòng nhưng ngược lại nghề báo cũng đem đến cho tôi không ít niềm vui, sự lạc quan để thôi thúc bản thân vững vàng tay bút.

Vào một ngày đầu tháng 3/2016, một người đàn ông làm vườn ở một địa phương phía Bắc gửi phản ánh tới Tòa soạn về việc ông bị đánh ngay tại trụ sở Công an vì tình nghi trộm cắp tài sản.

Được Tòa soạn giao xác minh, phóng viên trực tiếp về địa phương để làm sáng tỏ những uẩn khúc trong vụ việc. Khi gặp trực tiếp nhân vật, người đàn ông tỏ ra rất kiệm lời, đôi mắt ẩn chứa nỗi sợ hãi và dường như ông chấp nhận, cam chịu nỗi oan ức. Sau nhiều ngày, nhiều lần gặp gỡ, bằng tất cả sự chân thành, người đàn ông đã trải lòng, chia sẻ toàn bộ câu chuyện của phóng viên. Với những chứng cứ, tài liệu thu thập được, phóng viên khẳng định người đàn ông làm vườn bị đánh rất oan ức.

Sau khi bài báo được đăng tải, Công an địa phương đã trực tiếp đến nhà để xin lỗi nạn nhân. Vài ngày sau, qua điện thoại, giọng người đàn ông đầy phấn khởi, vui mừng nói lời cảm ơn Tòa soạn đã “giải oan” cho mình. Niềm vui của nhân vật trong bài viết chính là động lực thôi thúc tôi thêm gắn bó với nghề hơn.

Trong chuỗi những lượm lặt kỷ niệm với nghề của mình, có lẽ câu chuyện về gia đình bé trai 2 tuổi không đăng ký được khai sinh ngay giữa Hà Nội để lại trong tôi nhiều trăn trở nhất. Cháu bé được sinh ra trước khi bố mẹ cháu làm thủ tục đăng ký kết hôn. Vì hai người đều “rổ rá cạp lại” nhưng tồn tại hôn nhân với “người cũ” nên cán bộ xã đã yêu cầu phải có xét nghiệm ADN để xác định huyết thống mới tiến hành làm khai sinh cho cháu.

Sự việc trớ trêu, khi kết luận AND khẳng định cháu bé là con ruột của anh chị, nhưng việc đăng ký khai sinh cho cháu vẫn không thể thực hiện do yêu cầu phải có xác nhận của Tòa án về việc không giải quyết vụ việc này.

Là những người dân không am hiểu nhiều về pháp luật nên hai vợ chồng gần như bất lực trong việc xin khai sinh cho con. Không biết phải làm thế nào, hai vợ chồng đã “kêu cứu” tới Báo Công lý.

Sau khi sự việc được Báo Công lý phản ánh, UBND huyện đã nhanh chóng vào cuộc giao Phòng Tư pháp huyện hướng dẫn, đôn đốc xã giải quyết. Cùng với đó, Tòa án cũng có văn bản phản hồi, đề nghị gia đình liên với cơ quan đăng ký có hộ tịch có thẩm quyền để đăng ký khai sinh cho cháu bé theo Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Vụ việc sau đó có một cái kết đẹp, UBND xã đã chính thức cấp giấy khai sinh cho cháu bé với đầy đủ cả tên bố lẫn mẹ.

Những câu chuyện nhỏ nhặt nhưng không phải ai cũng có cơ duyên để trải nghiệm nếu không phải là người cầm bút. Từ những kỷ niệm đẹp đẽ ấy đã giúp bản thân tôi đúc rút ra những bài học bổ ích để mình trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn trong quá trình lăn lộn với nghề báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trưởng thành sau mỗi trang viết