Tục ngữ có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” quả không sai. Sau mỗi chuyến đi dài, được trải nghiệm, được sống đúng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, tôi thực sự đã trưởng thành sau mỗi chuyến đi.
Những ngày ăn rừng, ngủ núi, sống với đồng bào vùng cao đã giúp tôi nuôi dưỡng cảm xúc, sống biết sẻ chia, đồng cảm và rèn luyện ý chí, bản lĩnh khi tác nghiệp.
Lội sông từ sáng tới chiều tìm vàng tặc
Trời tháng 8 nắng như đổ lửa, hầu như không ai muốn ra đường để tránh cái nóng bỏng da cháy thịt. Khi nghe tin trên xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ (Thường Xuân, Thanh Hóa), tình trạng vàng tặc lại tái diễn, chúng tôi không ngần ngại lên đường. Đang tính xem mời ai đi trong chuyến này thì anh bạn đồng nghiệp được mệnh danh là “trâu sắt” alo rủ đi cùng đề tài này. Chiều hôm ấy, hai anh em tới Thường Xuân trên chiếc xe Wave cũ. Chúng tôi trú chân trong một nhà trọ ven đường và lần mò thông tin.
Sáng sớm, lót dạ nắm xôi rồi hai anh em vội lên đường. Đi qua nhiều đoạn đường núi quanh co, có lúc phải dắt bộ vì chiếc xe không thể tải nổi. Con sông nhỏ chảy qua Làng Ác (Xuân Chinh) như muốn bị lật tung, dòng nước đục ngầu đất bùn bởi bàn tay con người. Hai anh em bàn nhau gửi xe nhà dân, đi bộ dọc con sông này may mới tìm ra địa điểm đang khai thác vàng. Đồ nghề chỉ cần điện thoại, máy ảnh bỏ túi để phòng trường hợp bị truy đuổi.
Chúng tôi cứ lầm lũi đi theo dòng sông đục ngầu, bị đào bới tứ tung, lởm chởm mà lòng xót xa. Quả đúng như người ta mệnh danh “trâu sắt”, anh bạn đồng nghiệp đi thoăn thoắt, băng qua các vạt cây gai, dòng suối đá mấp mô mà như không hề gì.
Anh em mải miết đi từ sáng tới qua trưa mà vẫn không thấy việc khai thác vàng trái phép. Cái bụng bắt đầu “biểu tình”, không ít lần định quay lui bỏ cuộc. Nhưng dòng sông vẫn cuộn màu đục ngầu đất đá, chứng tỏ phía trên kia đang có việc đào đãi. Cái nguy hơn là sóng điện thoại không còn, khả năng ứng phó là tự thân vận động, không còn quyền trợ giúp nào.
Linh tính mách bảo và lương tâm người cầm bút không cho phép bỏ cuộc, hai chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Tiếng máy nổ, tiếng người xa xa vọng lại ngày một rõ hơn khiến đôi chân chúng tôi mạnh mẽ lên. Không chỉ một mà nhiều nhóm 5, 7 người với giàn máy bơm hút, đào đãi đang lật tung từng khu đất, gốc cây để mong thực hiện giấc mơ đổi đời tìm vàng.
Người dân đua nhau khai thác vàng trái phép tại Xuân Chinh
Không ít bi kịch, sự tan hoang, xơ xác khi cơn lốc vàng đi qua ở Xuân Chinh. Nhiều người đã rơi vào trạng thái ảo tưởng đổi đời, bỏ bê hết công việc đồng áng, lao động mưu sinh hàng ngày.
Tại thời điểm nóng nhất của công cuộc lật tung tất thảy để kiếm vàng, chúng tôi đã có mặt tại đây để tận mắt chứng kiến công trường. Ấn tượng đầu tiên khi xâm nhập vào điểm nóng này là hình ảnh những thanh niên, phụ nữ và cả trẻ em cùng các phương tiện thô sơ, máy móc đang ngụp lặn dưới các vũng nước, đào xới đất. Bên cạnh đó là những thửa ruộng, chân đồi đã bị đào xới thành những vũng lớn, ổ voi để khai thác vàng.
Tại những bãi vàng, ngoài bóng dáng của những người phụ nữ, thanh niên trai tráng còn có cả các em nhỏ cũng đang lúi húi đào đãi. Nhiều lán trại được dựng xung quanh bãi vàng ở những vị trí hiểm trở, khó phát hiện, có những lán trên núi, ẩn mình trong rừng cây, khe đá.
Nghe theo những lời đồn về việc vàng nhiều vô kể, không ít người may mắn đã trở thành triệu phú khi bắt được cả cục vàng lớn khiến người dân kéo nhau tìm cơ hội thoát nghèo, đặc biệt là vào thời kỳ giáp hạt. Khi những con suối, dòng sông, ruộng vườn đã tan hoang, vàng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy kéo theo đó là nhiều hệ lụy. Trong phút chốc, người dân Xuân Chinh, Xuân Lẹ đã bị cột chặt vào đói nghèo, túng quẫn...
Khi đã đầy đủ thông tin, hình ảnh, chúng tôi bắt đầu trở ra. Quãng đường quay lại đúng là cực hình, nó dài như vô tận. Về tới nhà dân để xin đi nhờ xe thì chiều đã tàn, xin bát cơm nguội của chủ nhà nhưng chỉ còn lại mấy củ sắn.
Sáng hôm sau, chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương, cung cấp các hình ảnh, đoạn clip đang khai thác vàng trái phép và về viết bài phản ánh. Ngay khi báo ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn liên ngành lên kiểm tra, xử lý, dẹp bỏ toàn bộ tình trạng khai thác vàng trái phép ở nơi đây và cuộc sống người dân trở lại bình yên.
Kinh hoàng vắt rừng bám đầy người
Trong chuyến đi tới bản Nà Đang để phản ánh về tình trạng phá rừng, chúng tôi đã phải ăn mỳ tôm sống qua ngày và đánh vật với những con vắt khát máu. Bản Nà Đang cách trung tâm xã Lâm Phú (huyện Lang Chánh) khoảng hơn 12km, đây là vùng lõi của rừng phòng hộ Sông Lò, nơi giáp ranh giữa hai huyện Lang Chánh và Quan Sơn, gần với biên giới Lào.
Cả bản có 50 hộ, hơn 200 nhân khẩu, người dân tộc Thái. Diện tích trồng lúa 9ha và một ít đất khai hoang để trồng ngô, người dân không được giao đất rừng (gọi là đất 02). Ruộng bậc thang lại bị các quả đồi và cây cối che phủ nên năng suất rất thấp, mỗi sào thu hoạch được khoảng 40-50kg.
Người dân bước chân xuống khỏi nhà là đất của lâm trường. Do đời sống quá khó khăn, diện tích làm nông nghiệp quá ít ỏi, năng suất lại chẳng được bao nhiêu, nhiều người nghe theo lời dụ dỗ vẫn đi chặt, vận chuyển gỗ thuê, có khi họ làm nhà thiếu vài cây cũng vào rừng đốn, rất khó quản lý hết. Lâm tặc thường dùng xe máy chế thêm hai que sắt trên yên xe để dễ bề vận chuyển. Chủ yếu chúng đốn sến, táu, chúng phá rừng rải rác, không tập trung một nơi, dụng cụ là cưa xăng, rìu hoặc cưa bằng tay.
Tác giả (trái) cùng đồng nghiệp ăn mỳ tôm qua bữa giữa rừng
Rút kinh nghiệm đói vàng mắt lần trước, lần này tôi đã mang theo lương khô, mỳ tôm và nước suối. Thấy tôi đeo balo lỉnh kỉnh, cậu bạn đi cùng trêu đùa: “Anh cứ như đi đánh trận ấy nhỉ?”. Tôi cười thầm, người cầm bút mỗi chuyến đi chẳng khác nào lâm trận, với rất nhiều mối đe dọa không ngờ, cứ chuẩn bị chu đáo thì giảm thiểu rủi ro, nhất là đi đấu tranh với lâm tặc. Đường vào bản quanh co, hiểm trở, sau trận mưa, đất bét ra khiến xe cộ mắc kẹt.
Loay hoay mãi nhóm mới đi được hơn nửa đường, bùn đất đã bám đầy người, 2 chiếc xe máy như muốn dính luôn không chịu đi. Hơn 13 giờ, chúng tôi mới thoát được bãi đất lầy lội, tìm được một nơi khô ráo. Lương khô của tôi lúc này phát huy tác dụng, làm yên lòng mấy cái bụng trống không. Trời hửng nắng sau mấy ngày mưa, vắt rừng ở đâu bò ra lổm ngổm bám lên chân, chui vào ống quần, tìm đôi bàn chân và làn da.
Do vội ăn vì đói quá, đến lúc gần xong xuôi, nhìn xuống dưới chỉ toàn là vắt, cậu em đi cùng nôn thốc nôn tháo, vén ông quần lên thì đôi chân đen kịt vắt. Tôi cũng vội xắn quần lên thì ôi thôi, không biết bao nhiêu máu đã hiến cho lũ vắt này. Hơ lửa cháy rụi cả đám lông chân, chúng mới chịu buông ra. Anh em nhanh chân bỏ chạy. Cũng may mà đoạn đường còn lại không còn quá xấu, chúng tôi tìm tới nhà ông Vi Thiện Lương, Trưởng bản Nà Đang xin tá túc qua đêm.
Sáng hôm sau, khi trời đã tan sương, anh em bắt đầu lên đường theo sự chỉ dẫn của người dân bản địa. Đi lòng vòng hơn nửa ngày đường rừng, chúng tôi đã tới lô 10, dốc Ông Viện (khu vực rừng phòng hộ Sông Lò trên địa bàn xã Lâm Phú). Tại đây, rất nhiều gốc cây gỗ đã bị đốn hạ, lâm tặc xẻ ngay tại chỗ, chỉ lấy phần nạc nhất. Xót xa cho những gốc cây rừng bị đốn hạ đang còn rỉ nhựa tựa như máu.
Dù đã khá mệt nhưng nhóm tiếp tục hành quân, buổi trưa nghỉ ngơi ngay tại rừng vắng và lót dạ bằng mỳ tôm sống. Để tránh vắt, anh em kiểm tra thật kỹ nơi dừng chân. Nhưng điều nhóm không ngờ tới là trên các tán lá, cành khô, vắt cũng “hạ trại”.
Khi đang tìm đường tới khu Mè Giàng, Lán Cháy thì anh bạn đồng hành kêu lên “hình như trên lưng có gì đó, ngứa lắm không chịu được!”. Đoàn dừng lại kiểm tra thì mới tá hỏa, khoảng 5-6 con vắt to bằng ngón tay cái đang chu du trên lưng. Chúng tôi phải dùng bật lửa hơ đi, hơ lại chúng mới chịu rơi xuống. Mặt anh này tái xanh, cắt không còn giọt máu. May chỉ có anh này bị vắt hỏi thăm, còn tôi chỉ lo đụng phải rắn độc thì hết vía.
Tại khu vực Lán Cháy, loạt gỗ bị chặt phá nhiều nhất là táu, sến, vàng cương, mỡ… Bọn lâm tặc thường lợi dụng vào những hôm trời mưa lúc còn tối, hay sáng sớm dùng cưa xăng đốn hạ những cây gỗ quý có đường kính từ 30 - 45cm, sau đó xẻ thành những tấm gỗ nhỏ, dùng xe máy hoặc trâu lôi ra khỏi rừng. Không khó để bắt gặp những gốc cây vừa mới bị khai tử, vết chặt đang còn đỏ thắm như đang chảy máu; những cây to người ôm không hết đã bị đốn hạ nhưng chưa bị lâm tặc chuyển đi, có những cây nằm bên cạnh bờ suối chờ nước lớn để xuôi dòng…
Ra khỏi rừng bình an, ai cũng mệt nhưng vẫn cố gượng cười. Sau chuyến đi này, tôi đã viết nhiều kỳ về “sức ép mưu sinh và bảo vệ rừng”. Một mặt, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng chặt, phá rừng; mặt khác, tỉnh Thanh Hóa cũng có chính sách hỗ trợ người dân vùng lõi, vùng đệm tại các khu rừng. Tôi thì có thêm kỷ niệm, kinh nghiệm và trưởng thành hơn sau mỗi chuyến đi.