Ngày 26/7, TAND tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Đặng Thanh Nhàn (44 tuổi, trú tại 954 Phạm Văn Đồng, tổ 7, phường Yên Thế, Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Lợi dụng lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bản thân bị cáo là người có việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc nhưng vì lòng tham đã bất chấp tất cả. Lợi dụng chức danh là Trưởng phòng giao dịch Pleiku thuộc chi nhánh Ngân hàng cổ phần An Bình, quá trình công tác tại Ngân hàng bị cáo đã có mối quan hệ quen biết và vay mượn rất nhiều cá nhân trên địa bàn thành phố Pleiku.
Để tạo niềm tin cho những người mà bị cáo vay tiền, nhiều lần vay mượn trước bị cáo đều thanh toán sòng phẳng cả tiền gốc và tiền lãi. Sau đó, bị cáo đã đưa ra thông tin là vay tiền để đáo hạn Ngân hàng tại nơi bị cáo đang công tác và bị cáo đã vay của 8 cá nhân là các ông, bà Lê Thị Lan, Phạm Thế Thanh, Phan Thị Thu, Lê Thị Châu, Huỳnh Tấn Hưng, Ngô Hoàng Nghệ, Hồ Đặng Phương Khuê và Lê Đức Bảo với tổng số tiền 155,250 tỷ đồng. Sau khi vay được tiền bị cáo đã trả tiền vay gốc 138,250 tỷ đồng và 2,256 tỷ đồng tiền lãi, còn lại 17 tỷ đồng bị cáo chiếm đoạt.
Bị cáo Nhàn trước tòa
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận đã đưa ra những thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại và xác nhận đã chiếm đoạt với số tiền 17 tỷ đồng.
Tiền chiếm đoạt của những bị hại, bị cáo dùng vào việc cho người khác vay mượn để làm ăn và họ cũng không trả lại, phần còn lại bị cáo dùng vào tiêu xài cá nhân.
Khi được HĐXX hỏi có biết việc chồng mình làm và vay mượn tiền của nhiều người với số tiền lớn như vậy bà có biết không, vợ bị cáo nghẹn ngào nói: “Việc chồng tôi vay mượn bên ngoài với số tiền lớn như vậy tôi thật sự không biết và cũng không biết chồng tôi dùng số tiền đó vào việc gì, đến khi chồng tôi bị bắt thì nói có vay mượn của nhiều người và nói tôi cố gắng khắc phục hậu quả cùng với anh ấy”.
Khi lòng tin đặt nhầm chỗ
Chỉ vì tin tưởng và có mối quan hệ quen biết với bị cáo từ trước, lại có giao dịch vay mượn với bị cáo nhiều lần và đều được bị cáo thanh toán sòng phẳng cả tiền gốc lẫn lãi, nên khi bị cáo đưa ra lý do mượn để đáo hạn cho người này, người kia, các bị hại đều không nghi ngờ. Khi đến hẹn, nhiều người đến đòi thì bị cáo đều hứa hẹn và không trả, đến ngày 11/12/2014, các bị hại làm đơn tố cáo hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bị cáo đến cơ quan Công an.
Thấy các bị hại liên tục oán trách bị cáo, Tòa đặt câu hỏi chung: Tại sao các anh, các chị không tỉnh táo, đáng lẽ khi đưa một số tiền lớn cho ai phải tìm hiểu kỹ rồi mới đưa tiền? Một số bị hại đáp rằng nhìn bị cáo chân thật, lại khẳng định chắc chắn, một phần cũng vì tin tưởng những lần trước bị cáo vay mượn đều thanh toán sòng phẳng, đúng hạn nên không nghi ngờ gì bị cáo.
Một bị hại đứng dậy nghẹn ngào cho rằng, vì niềm tin mà bị cáo tạo ra cho họ quá lớn, không ai nghĩ một Trưởng phòng lại có những hành vi như vậy nên đã tin tưởng cho bị cáo vay mượn dẫn đến hậu quả phải bán nhà để trả nợ, bây giờ gia đình phải ra ngoài thuê nhà trọ, con thì mỗi đứa một nơi.Tại tòa các bị hại đều mong muốn bị cáo trả lại tiền cho mình.
Tại phiên tòa, bị cáo đã thành thật khai báo, ăn năn hối hận, xin lỗi các bị hại. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện nhiều lần, gây mất trật tự trị an trên địa bàn nên HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Thanh Nhàn 17 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự bị cáo phải bồi thường toàn bộ tài sản đã chiếm đoạt cho các bị hại.