Trường học không phải là nơi phô diễn vẻ đẹp hình thức

Đắc Chuyên| 21/09/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quy định cấm học sinh nữ không được tô son khi đến trường nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội, bởi quy định này giúp học sinh nữ tránh được những tác dụng xấu của mỹ phẩm giả và khẳng định trường học không phải là nơi phô diễn vẻ đẹp hình thức.

Học sinh không nên trang điểm lòe loẹt khi đến trường

Trao đổi với phóng viên về quy định cấm học sinh nữ tô son khi đến lớp của Trường THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ quy định trên.

Thầy Lâm dẫn quy định của Bộ GD-ĐT về việc cấm học sinh không được mang trang sức, trang điểm lòe loẹt khi đến trường. Tuy nhiên, thầy cũng cho rằng, việc cấm cũng nên linh hoạt với đặc điểm học sinh của từng trường và đương nhiên là cách thức thực hiện cũng sẽ không thể đồng nhất ở tất cả các trường học.

Trường học không phải là nơi phô diễn vẻ đẹp hình thức

Trường THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cấm học sinh nữ tô son khi tới trường

Căn cứ vào sự phát triển tâm, sinh lý thầy Nguyễn Tùng Lâm lý giải, nhu cầu làm đẹp của các em học sinh nữ là hoàn toàn tự nhiên và chính đáng. Nhưng những tác hại của mỹ phẩm, nhất là mỹ phẩm giả, trôi nổi trên thị trường là điều mà thầy đặc biệt lo ngại. Thực tế cho thấy, việc trang điểm quá sớm, thường xuyên và sử dụng mỹ phẩm nhái, không rõ nguồn gốc sẽ làm hỏng da của các em, đó là chưa kể đến những trường hợp bị dị ứng.

Tác hại của việc sử dụng mỹ phẩm ở học sinh đã quá rõ nhưng theo quan điểm của thầy Lâm, quy định học sinh nữ không được tô son khi đến trường nên có hai mức độ. Một là cấm hoàn toàn như trường THPT M.V. Lômônôxốp, hai là dừng ở mức độ khuyên bảo như ở chính ngôi trường mà thầy đang là Hiệu trưởng.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, với những học sinh “đặc biệt” của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thì thầy chỉ khuyên bảo chứ không cấm các em học sinh sử dụng mỹ phẩm. Để học sinh ý thức và thực hiện nghiêm túc quy định này, bên cạnh những quy chế của nhà trường thì thầy khẳng định, sự vào cuộc của phụ huynh sẽ đem lại hiệu quả vô cùng lớn.

Sử dụng mỹ phẩm, học sinh dễ sao nhãng chuyện học hành

“Lạm dụng mỹ phẩm quá sớm, không những khiến các em học sinh có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như các chuyên gia y tế đã chứng minh, mà còn khiến các em học sinh sao nhãng chuyện học hành”, TS. tâm lý Bùi Hồng Quân nhận định.

TS. Bùi Hồng Quân lý giải, ở lứa tuổi học sinh quan trọng nhất đối với các em là chuyện học hành, là bài vở chứ không phải là việc làm đẹp. Chú ý tới vẻ đẹp bề ngoài, vẻ đẹp hình thể quá sớm có thể khiến các em lơ là, sao nhãng trong việc học. Chính vì vậy, TS. Bùi Hồng Quân nói rằng, việc cấm học sinh dùng son khi tới trường là có lý của các nhà làm giáo dục.

Trường học không phải là nơi phô diễn vẻ đẹp hình thức

TS. Bùi Hồng Quân khẳng định, trong môi trường giáo dục, vẻ đẹp về trí tuệ là quan trọng hơn cả

Thay vì quan tâm quá sớm đến vẻ đẹp bên ngoài các em nên đầu tư thời gian, công sức cho học hành, để bổ sung kiến thức, làm đẹp thêm cho mình về mặt trí tuệ. TS. Bùi Hồng Quân khẳng định, trong môi trường giáo dục, vẻ đẹp về trí tuệ là quan trọng hơn cả. Các em có thể thoải mái trang điểm, ăn mặc hợp mốt ở một môi trường khác, bối cảnh khác chứ không phải khi tới lớp, bởi trường học vốn dĩ không phải là sàn diễn, không phải là nơi phô diễn vẻ đẹp hình thức.  

Trước một số ý kiến trái chiều cho rằng, cấm các em học sinh tô son tức là cấm nhu cầu làm đẹp chính đáng của các em học sinh nữ. TS. Bùi Hồng Quân thẳng thắn bày tỏ, ở lứa tuổi học sinh cấp 3 các em đang bước vào giai đoạn cuối tuổi dậy thì, những biến đổi về tâm sinh lý và nhu cầu khẳng định bản thân về mọi mặt là tự nhiên nhưng làm đẹp ở lứa tuổi học sinh không đồng nghĩa với việc tô son, đánh phấn. TS. Bùi Hồng Quân nhấn mạnh, trong môi trường giáo dục, đẹp về mặt hình thức không thể nào thay thế được vẻ đẹp về trí tuệ.  

Về khả năng một số học sinh nữ sẽ phản ứng trước quy định này và “lách luật”, TS. Bùi Hồng Quân nói rằng, trong lớp học ai cũng bình đẳng như ai, ai hơn ai về vẻ đẹp bề ngoài là không có giá trị. Ông tin tưởng, nếu chuyện đó xảy ra thì chỉ là một vài học sinh cá biệt và nhà trường sẽ có những quy chế để đối phó với việc này.

Rõ ràng, làm đẹp là nhu cầu chính đáng ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng có lẽ làm đẹp như thế nào cho phù hợp  và có lợi cho sức khỏe bản thân đó mới là điều quan trọng hơn cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường học không phải là nơi phô diễn vẻ đẹp hình thức