Trước việc “trao thêm” quyền hạn và trách nhiệm cho Trưởng thôn ở TP. Hà Nội: Những nghi ngại về “quyền rơm… vạ tù tội”

Huy Anh| 18/06/2015 06:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ở Hà Nội trở nên thông thoáng hơn sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 117/2009/QĐ-UBND ngày 1/12/2009.

Tuy nhiên, việc “trao thêm” quyền hạn, trách nhiệm cho Trưởng thôn bên cạnh những tích cực cũng nảy sinh những tranh cãi pháp lý và hậu quả đáng suy nghĩ, thậm chí nghi ngại về việc Trưởng thôn đã mang “vạ” vào thân. 

Bị truy tố vì... nể mà ký

Sinh năm 1978, là đảng viên trẻ và được bà con tín nhiệm nên Ngô Văn Hùng được bầu là Trưởng thôn Đìa, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Theo Cáo trạng của VKSND huyện Đông Anh thì vào năm 2013, một số công dân và cán bộ địa chính xã Nam Hồng và huyện Đông Anh có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt đất công, mua bán kiếm lời… Hành vi của Trưởng thôn Ngô Văn Hùng được nêu trong cáo trạng rằng: “Do nể Khoắn là em họ của Hùng và muốn nêu cao uy tín của mình đối với nhân thôn Đìa, bị cáo Hùng đã không kiểm tra xác minh hiện trạng sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên đã ký khống vào các biên bản chưa có nội dung về nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất của các hồ sơ và giao lại cho Khoắn”. Cơ quan truy tố xác định hành vi của các bị can, trong đó có Ngô Văn Hùng là “nguy hiểm cho xã hội… đã làm trái công vụ được giao vì động cơ cá nhân”.

Trước việc “trao thêm” quyền hạn và trách nhiệm cho Trưởng thôn ở TP. Hà Nội: Những nghi ngại về “quyền rơm… vạ tù tội”

Một góc đường thôn Đìa

Từ đó, VKSND huyện Đông Anh quyết định truy tố Ngô Văn Hùng ra Tòa về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với vai trò là chủ thể trực tiếp thực hiện tội phạm chứ không phải là đồng phạm với vai trò là người tổ chức, người xúi giục hay là người giúp sức.

Ngay sau khi vụ án được khởi tố, đã có những nghi ngại, tranh cãi phát sinh liên quan đến việc quy định “trao thêm” nhiệm vụ cho Trưởng thôn của thành phố Hà Nội, của UBND xã các địa phương có đúng pháp luật hay không? Quan trọng hơn cả là hành vi ký đơn xin cấp sổ đỏ và tham gia Hội đồng xét cấp sổ đỏ tại UBND xã của Trưởng thôn khi không có quyền hạn, nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực quản lý đất đai, tức là không xuất phát từ công vụ thì cần phải được xem xét, cân nhắc khi sử dụng làm căn cứ pháp lý để buộc tội.

 Phải chăng là “quyền rơm… vạ  đá”?

Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố do Bộ Nội vụ ban hành  thì Trưởng thôn có 9 nhiệm vụ, trong đó có “Tổ chức thực hiện nhiệm vụ do UBND xã giao”. Điều đó đồng nghĩa với việc Trưởng thôn có quyền hạn phát sinh tương ứng để hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 1/12/2009, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 117/2009/QĐ-UBND, trong đó có quy định về việc Trưởng thôn phải là thành viên của Hội đồng xét cấp sổ đỏ tại UBND xã và UBND xã yêu cầu Trưởng thôn phải ký vào đơn xin cấp sổ đỏ, xác nhận nguồn gốc đất của người dân tại thôn do mình đại diện. Cho nên, căn cứ vào quy định này, cơ quan truy tố xác định hành vi ký vào đơn xin cấp sổ đỏ và khi tham gia Hội đồng  xét cấp sổ đỏ đã không có ý kiến gì của Ngô Văn Hùng là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp sổ đỏ thì việc xác nhận vào đơn xin cấp sổ đỏ của công dân thuộc trách nhiệm của UBND xã. Cũng vậy, trách nhiệm xét duyệt đủ điều kiện cấp sổ đỏ thuộc về UBND xã và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Như vậy, chữ ký vào đơn xin cấp sổ đỏ của Trưởng thôn Ngô Văn Hùng trong trường hợp cụ thể này là vô giá trị, không bắt buộc, thậm chí là thừa. Và khi chữ ký không có giá trị pháp lý thì cũng đồng nghĩa với việc cần xem xét, đánh giá cho chính xác và cụ thể về căn cứ pháp lý khi quy kết Trưởng thôn Hùng đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”

Chưa hết, theo quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND thì tổ chức thôn không phải là đơn vị hành chính. Theo Điều 4 Luật Cán bộ công chức thì Trưởng thôn không phải cán bộ công chức. Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không có quy định nào về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn mà chỉ quy định trách nhiệm của UBND cấp xã. Luật này đã quy định rõ cán bộ địa chính xã có trách nhiệm giúp UBND xã trong việc quản lý đất đai ở địa phương và cán bộ địa chính do UBND cấp huyện bổ nhiệm. Cho nên, hành vi ký vào đơn xin cấp sổ đỏ do Ngô Văn Hùng thực hiện không xuất phát từ công vụ (tức không phải nhiệm vụ được giao). Cũng vậy, trách nhiệm kiểm tra, xác nhận về nguồn gốc đất được quy định tại khoản 2 và 3 Điều 14  Nghị định số 88 nêu trên thuộc về UBND xã và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện mà không phải là Trưởng thôn.

Như vậy, Trưởng thôn Hùng không phải là cán bộ, công chức, không được giao nhiệm vụ quản lý đất đai. Hành vi ký vào đơn xin cấp sổ đỏ và khi tham gia Hội đồng  xét cấp sổ đỏ đã không có ý kiến gì của Trưởng thôn Hùng không xuất phát từ công vụ, không phải là người có chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực quản lý đất đai. Cho nên, việc truy tố Trưởng thôn Ngô Văn Hùng với hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” cần được xem xét đảm bảo nguyên tắc “đúng người, đúng tội”

Điều đáng quan tâm hơn cả là đã có những nghi ngại rằng với việc ban hành quyết định nói trên thì UBND TP. Hà Nội đã “trao thêm” cho Trưởng thôn quyền hạn, trách nhiệm vượt quá quy định. Chẳng biết có “oai” thêm không nhưng sự tham gia của Trưởng thôn Hùng đã thực tế phải chịu “vạ lao lý”? Vấn đề này, những người quan tâm đến vụ án đang cần đến sự giải thích chính thức của UBND TP. Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước việc “trao thêm” quyền hạn và trách nhiệm cho Trưởng thôn ở TP. Hà Nội: Những nghi ngại về “quyền rơm… vạ tù tội”