Việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh tác động không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng và gia đình. Đây là nguyên nhân chính gây ra các dịch bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn và nhiễm các loại giun, sán đường ruột.
Do đó, việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển bền vững.
Quảng Ninh là một trong 8 tỉnh đồng bằng Sông Hồng tham gia chương trình Pfor R. Nhiều hoạt động tích cực nhằm thay đổi hành vi tập quán lạc hậu trong vệ sinh đã được triển khai đồng loạt tại các xã nông thôn của 13 huyện, thị xã, thành phố. Sau 3 năm đã có 5.166 nhà tiêu xây mới hợp vệ sinh và 62.010 người được hưởng lợi từ 13 xã đạt vệ sinh toàn xã được xác nhận.
Để hoàn thành được chỉ tiêu giai đoạn 5 năm 2013-2017 Ban điều hành đã xác định: Cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban, ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Y tế với các Trung tâm y tế các huyện, thị trong việc bám sát thực tế, xây dựng kế hoạch cụ thể để tham mưu, trình duyệt lãnh đạo Ban chỉ đạo huyện. Các học viên đã có những trao đổi, thảo luận chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai dự án, đặc biệt là thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm triển khai Chương trình của các đơn vị đã thực hiện tốt những năm qua để đạt kết quả giải ngân theo chỉ tiêu từng năm của chương trình.
Thực tế cho thấy, việc giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường ở tỉnh ta hiện nay còn nhiều khó khăn do nhận thức của người dân chưa cao, nhiều gia đình còn quan niệm nhà tiêu chỉ là “công trình phụ” nên ít được coi trọng trong khi làm nhà. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến công tác vệ sinh môi trường nông thôn và công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người.
Bác sỹ Từ Thị Anh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trung tâm đang triển khai hợp phần vệ sinh môi trường thuộc Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả đầu ra do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ cho 8 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, mỗi năm xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh, mục tiêu từ nay tới năm 2018 sẽ có nguồn vốn từ dự án để xây mới hoặc cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh do nhân dân tự làm theo quy chuẩn thiết kế của đề án chương trình.
Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng Quảng Ninh triển khai tập huấn công tác xây dựng NVS hợp chuẩn Pfor R. - Ảnh nguồn tư liệu TTYTDP cấp
Bà Trần Thị Hạnh (Hồng Thái Tây - Đông Triều) phấn khởi cho biết, trước kia, gia đình bà chưa coi trọng xây dựng các công trình vệ sinh, môi trường xung quanh nhà bị ô nhiễm, rất khó chịu. Năm 2014, thấy được lợi ích của nhà tiêu tự hoại và được cán bộ y tế tới tận nhà tuyên truyền, gia đình bà đã đầu tư nguồn vốn để xây nhà tiêu tự hoại sạch sẽ.
Để việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thành thói quen thường xuyên của nhân dân, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nguồn kinh phí để các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, bảo đảm vì cuộc sống tốt đẹp của gia đình và cộng đồng.