Trong buổi làm việc với TANDTC, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã có dịp tham quan Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động TAND nằm trong trụ sở TANDTC.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là tổ chức trọng tài quy chế thành lập trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Hàng hải và Hội đồng Trọng tài Ngoại thương theo Quyết định 204/QÐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/04/1993.
VIAC thực hiện chức năng chính là tổ chức điều phối giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật.
Đồng thời, VIAC cũng là tổ chức trọng tài có nhiều hoạt động trong việc thúc đẩy sự phát triển và hiệu quả của phương thức trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác (ADRs) tại Việt Nam.
Các hoạt động trọng tài thương mại đã được pháp luật Việt Nam và hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại mà các doanh nghiệp, các thương nhân, các nhà đầu tư và cả các cơ quan nhà nước khi tham gia các hoạt động thương mại cũng có thể lựa chọn sử dụng để giải quyết cho các tranh chấp phát sinh, bên cạnh tố tụng Tòa án.
Ở Việt Nam, hiện trọng tài thương mại được xếp vào nhóm các hoạt động bổ trợ tư pháp - tức là cùng chia sẻ một số nhiệm vụ với ngành tư pháp.
Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại, BLTTDS (tương đồng với các nguyên tắc của trọng tài quốc tế) Tòa án quốc gia/Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền hỗ trợ và giám sát các thủ tục trọng tài thương mại tại Việt Nam.
Vai trò hỗ trợ và giám sát của Tòa án được đánh giá là vô cùng quan trọng tới sự phát triển của trọng tài/hòa giải.
Bản chất của Tòa án điện tử là chuyển một phần hoạt động của Tòa án từ không gian thực lên không gian số, trong đó, cốt lõi là việc thực hiện một số hoạt động của Tòa án trên nền tảng số, như: quản trị nội bộ Tòa án; công khai hoạt động của Tòa án; cung ứng dịch vụ tư pháp công trực tuyến; hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chức danh tư pháp; chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu của các nền tảng số quốc gia; đặc biệt là tiến hành các hoạt động tố tụng điện tử.
Thực hiện kế hoạch xây dựng Tòa án điện tử, thời gian qua, TANDTC Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án, qua đó góp phần tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân tốt hơn, Điển hình, năm 2021, TANDTC đưa vào sử dụng 2 hệ thống CNTT được xem là điểm sáng trong hoạt động chuyển đổi số Tòa án.