Có những vụ tranh chấp mà mâu thuẫn bị đẩy đến đỉnh điểm, các bên đương sự xô xát nhau, thách thức cả chính quyền nhưng thông qua hòa giải họ hiểu nhau hơn và cùng nhau giải quyết vụ việc theo hướng cảm thông, chia sẻ...
Hòa giải đã giúp đương sự hết lo âu
Đó là chia sẻ của ông Phạm Trương Quyền, Hòa giải viên thuộc Trung tâm hòa giải huyện Kiến Thụy. Ông Quyền cho biết: Từ khi hòa giải thành, có phương án trả nợ ngân hàng, mọi lo âu của chị Th. (trú tại xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy) gần như tan biến hết. Chị Th. yên tâm lao động sản xuất để kiếm tiền trả nợ cho ngân hàng.
Trước đó, chị Th. luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng vì khoản nợ của ngân hàng. Theo hồ sơ, năm 2016, chị Th. có vay của Ngân hàng A… số tiền 250 triệu đồng (tiền vay được cấp theo hạn mức). Do làm ăn thua lỗ, nhiều tháng liền, chị Th. không trả được nợ nên phía ngân hàng đã quyết định thu hồi nợ trước hạn. Theo đó, tổng dư nợ chị Th. phải trả cho ngân hàng là hơn 230 triệu đồng, ngân hàng liên tục thúc ép trả nợ nên chị rất lo lắng. Đặc biệt, từ khi nhận được thông báo của TAND huyện Kiến Thụy về việc ngân hàng khởi kiện đòi nợ thì chị Th. vô cùng hoang mang. Chưa biết lo liệu thế nào với khoản tiền lớn nêu trên nên chị Th. thường xuyên lảng tránh, gây khó khăn cho Tòa án.
Để hòa giải vụ việc, ông Quyền đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ việc, quan điểm của người khởi kiện cũng như điều kiện, hoàn cảnh của người bị kiện. Sau đó, ông Quyền lên phương án hòa giải, tham vấn cùng Giám đốc Trung tâm để bàn bạc, thống nhất phương án.
Sau nhiều lần gặp gỡ, giải thích rõ quyền, nghĩa vụ của người bị kiện, ông Quyền đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của chị Th. Sau đó, ông Quyền đã làm việc trao đổi thông tin với ngân hàng để tìm ra hướng giải quyết vụ việc. Với tinh thần hợp tác, tạo mọi điền kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trả nợ, Ngân hàng A… đã cùng chị Th. thống nhất được phương án trả nợ. Ngay sau đó, phía ngân hàng đã có đơn gửi TAND huyện Kiến Thụy xin rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với chị Th. Chị Th. yên tâm lao động, sản xuất để lo tiền trả nợ cho ngân hàng.
Một buổi hòa giải tại Trung tâm
Trao đổi với phóng viên, đại diện Ngân hàng A… cho biết: Việc hòa giải thành công không phải đưa vụ án ra xét xử đã giúp ngân hàng tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc, giúp ngân hàng giữ vững uy tín và củng cố niềm tin với khách hàng, tạo sự kết nối và hiểu biết hơn về khách hàng…
Hòa giải giúp người dân chia sẻ lẫn nhau, giải quyết được mâu thuẫn
Ông Phạm Xuân Đồn, Hòa giải viên - Trung tâm hòa giải huyện Kiến Thụy nói về lần hòa giải đầu tiên của mình. Đó là lần hòa giải vụ tranh chấp đất ở tại xã HB mà ở đó mâu thuẫn trong việc tranh chấp bị đẩy đến đỉnh điểm. Ông kể: Hôm ấy, tôi mời đương sự là người bị kiện và những người liên quan đến trung tâm làm việc. Tại đó, đương sự hùng hổ thách thức người khởi kiện và thách thức chính quyền địa phương ngay trước mặt vị Phó Chủ tịch UBND xã HB. Lúc này, tôi rất lo lắng vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ầm ĩ một lúc, đương sự đùng đùng bỏ về không làm việc. Sau đó, tôi phải kiên trì thuyết phục nhiều lần đương sự mới “xuôi tai” đồng ý tham gia hòa giải.
Chuyện là năm 2005, hộ gia đình ông Ch. được UBND xã HB, huyện Kiến Thụy giao quyền sử dụng 400m2 đất ở và phải nộp tiền sử dụng đất 54 triệu đồng. Toàn bộ diện tích đất trên chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến tháng 4/2017, UBND xã HB tiến hành khảo sát đo lại diện tích các thửa đất ở đã cấp cho các hộ thì phát hiện hộ gia đình ông L. ở lô đất liền kề đã xây căn nhà 1,5 tầng kiên cố trên diện tích 120m2 trong tổng diện tích 400m2 thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Ch. Từ đó, hai hộ gia đình pháp sinh tranh chấp, mâu thuẫn bị đẩy đến mức căng thẳng khi hai gia đình đã vài lần xảy ra xô xát nhưng chưa phát sinh hậu quả pháp lý. UBND xã HB đã nhiều lần hòa giải nhưng không thành nên vợ chồng ông Ch. khởi kiện yêu cầu TAND huyện Kiến Thụy buộc gia đình ông L. phải dỡ bỏ căn nhà 1,5 tầng trả lại 120m2 đất ở cho gia đình ông.
Thấy rõ tính chất phức tạp của vụ việc, Hòa giải viên Phạm Xuân Đồn đã kiên trì hòa giải, mời các bên liên quan đến tiến hành họp kín với từng bên. Ông L. (bên bị kiện) đã cung cấp cho hòa giải viên những tài liệu, chứng cứ liên quan đến tranh chấp. Theo đó, ông Đồn có căn cứ khẳng định đất của hộ gia đình ông L. đã được UBND huyện Kiến Thụy cấp nhưng bị UBND xã HB tự ý bán trái phép cho các hộ dân trong đó có hộ gia đình ông Ch. (người khởi kiện), đồng thời khẳng định, gia đình ông L. không lấn chiếm 120m2 đất ở như ông Ch. khởi kiện. Hiện ông L. đang khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của huyện Kiến Thụy và TP. Hải Phòng xem xét giải quyết theo quy định.
Thông qua các buổi hòa giải, bên khởi kiện đã thống nhất với bên bị kiện xin rút đơn khởi kiện để cùng nhau khiếu nại, tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kiến Thụy, đề nghị cơ quan Công an xác minh việc thu tiền, bán đất trái pháp luật của UBND xã HB và cán bộ địa chính xã theo quy định pháp luật.
Như vậy, từ sự hoang mang, lo lắng trong việc giải quyết nợ đến những mâu thuẫn căng thẳng trong việc tranh chấp đất đai đều được hóa giải bằng sự dẫn dắt “mềm mại” của Hòa giải viên.
Thông qua các buổi hòa giải, các đương sự được tuyên truyền pháp luật khiến họ hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình. Từ đó, họ có sự kết nối với nhau, cảm thông và chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Nói về những kết quả đạt được trong công tác hòa giải, ông Lưu Thanh Huyền, Chánh án TAND huyện Kiến Thụy kiêm Giám đốc Trung tâm Hòa giải huyện Kiến Thụy chia sẻ: Với nỗ lực của các Hòa giải viên, qua 6 tháng thí điểm, Trung tâm hòa giải huyện Kiến Thụy đã đạt được những kết quả rất khả quan. Theo đó, Trung tâm đã nhận và đưa ra hòa giải, đối thoại đối với 141 đơn khởi kiện, đã giải quyết thành công (hòa giải thành, đương sự rút đơn) 127 đơn đạt tỷ lệ 90,5%, trong đó dân sự 15/18 đơn, kinh doanh thương mại 1/1 đơn, lao động 1/1 đơn, hôn nhân và gia đình 110/121 đơn.
Kết quả hòa giải trên đã giúp Tòa án và các cơ quan tư pháp giảm tải được rất nhiều áp lực trong công việc, tiết kiệm được rất nhiều công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân, hạn chế được khiếu kiện, tạo sự kết nối giữa người dân với cơ quan Nhà nước, giữa người dân với nhau, tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.