Trung Quốc: Hiểm họa từ “trỗi dậy hòa bình”

Thái Bảo| 18/06/2014 15:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trỗi dậy hòa bình” là khái niệm Trung Quốc đưa ra và triển khai nó với nhiều tham vọng. Thực tế khi Trung Quốc trỗi dậy, các hành động của họ khiến các nước xung quanh phải cảnh giác cao độ…

Chi phí quốc phòng chiếm khoảng 2 - 2,5% GDP

Khái niệm “trỗi dậy hòa bình" có lẽ được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 10/2003, do nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, giáo sư Trịnh Tất Kiên phát biểu công khai tại Diễn đàn Bác Ngao, nhấn mạnh "sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc là bộ phận trỗi dậy hòa bình của châu Á". Sau đó tháng 12/2003, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chính thức đề cập đến khái niệm "trỗi dậy hòa bình". Tuy nhiên, trước phản ứng của dư luận quốc tế và trong nước, Trung Quốc có điều chỉnh, tránh đề cập đến khái niệm "trỗi dậy hòa bình" và thay bằng "phát triển hòa bình". Tháng 4/2004, cũng tại Diễn đàn Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định Trung Quốc sẽ "kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình". Sau đó không lâu, tại Hội nghị Hội đồng Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Thượng Hải, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện phương châm đường lối "cải cách mở cửa, phát triển hòa bình". Từ đó đến nay, khái niệm "phát triển hòa bình" thường xuyên được sử dụng.

Tháng 12/2005, Văn phòng Báo chí Quốc Vụ viện Trung Quốc ra sách trắng "Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc”. Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007 đề ra quan điểm “phát triển khoa học xây dựng xã hội hài hòa"… Chiến lược này chứa đựng nhiều tham vọng.

Ví dụ về chính trị, Trung Quốc tích cực xây dựng mô hình phát triển đặc sắc Trung Quốc trên ba mặt: Nhìn từ góc độ và ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội, mô hình Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề mà mô hình Liên Xô không thể giải quyết được. Nhìn từ góc độ phát triển của văn minh nhân loại, phải giải quyết vấn đề mà mô hình phương Tây, đặc biệt là mô hình Mỹ không thể giải quyết, ví dụ như những vấn đề nghiêm trọng phát sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, vấn đề chủ nghĩa bá quyền trong quan hệ quốc tế.

Về nhóm biện pháp về kinh tế, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ở mức độ cao, rút ngắn khoảng cách sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc so với Mỹ, trở thành cường quốc có năng lực chủ đạo trên cơ sở sức mạnh tổng hợp hùng mạnh, trong đó: đứng đầu thế giới về GDP, đứng đầu thế giới về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, đứng hàng đầu thế giới về thực lực khoa học - công nghệ, trở thành nước lớn về ứng dụng kỹ thuật, chiếm vị trí hàng đầu trong một số lĩnh vực khoa học quan trọng.

Nhóm biện pháp quân sự khiến thế giới lo ngại nhất. Trung Quốc đặt ra biện pháp đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa quốc phòng, không ngừng nâng cao sức mạnh để đưa Trung Quốc trở thành cường quốc về quân sự. Đây là một trong những biện pháp chiến lược luôn được Trung Quốc đề cao. Theo quan điểm của một số học giả Trung Quốc, Trung Quốc không nhất thiết sử dụng biện pháp quân sự trong quá trình phát triển, nhưng cần phải có sức mạnh răn đe cần thiết và cần phát triển sức mạnh quân sự. Có quan điểm cho rằng Trung Quốc muốn "trỗi dậy hòa bình" thì phải "trỗi dậy về quân sự"; sự trỗi dậy về kinh tế mà không có trỗi dậy về quân sự là sự trỗi dậy nguy hiểm bởi vì nó sẽ khiến cho một dân tộc trở thành dân tộc kinh tế". Do vậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc cần có sự thống nhất giữa "phú quốc" với "cường binh". Theo đó, chi phí quốc phòng Trung Quốc sẽ tiếp tục được nâng cao, có thể sau này sẽ chiếm khoảng 2 - 2,5% GDP.

Đặc biệt là quan điểm cứng rắn trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng; tăng cường các biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển; thúc đẩy hòa giải tiến tới thực hiện thống nhất hòa bình Đài Loan, tuy nhiên không từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết.

Từng bước chuyển trọng tâm chiến lược từ "phòng ngự lãnh thổ” sang “bảo vệ lợi ích”; cơ cấu lực lượng quân sự từ “đại lục quân” chuyển sang nhất thể hóa hải quân – không quân – vũ trụ - tin học. Về xây dựng năng lực tác chiến, chuyển từ “lấy thực chiến làm chính” sang “lấy răn đe làm chính”, xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh tương xứng với địa vị quốc tế của Trung Quốc, có khả năng bảo đảm hiệu quả an ninh quân sự.

Quan ngại có cơ sở

Thế giới đón nhận sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước ở Đông Á, Nam Á, Trung Á, kể cả Nga, ở mức độ khác nhau, có tâm trạng bất an, lo lắng. Khi chủ nghĩa bành trướng đại Hán chi phối Trung Nam Hải thì Trung Quốc sẽ gây sự, thậm chí xâm phạm đến lợi ích sống còn của họ. Lo lắng đó là có cơ sở. Hơn 60 năm tồn tại (kể từ 1/10/1949), những người cầm quyền Bắc Kinh đã phát động 3 cuộc chiến tranh quy mô lớn đối với các nước láng giềng (Ấn Độ 1962, Liên Xô 1969 và xâm lược Việt Nam 2.1979), Trung Quốc còn nhiều lần dùng vũ lực để cướp đoạt lãnh thổ, không gian sinh tồn của các nước nhỏ xung quanh  như 1956 đánh chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; tháng 1/1974 dùng lực lượng lớn hải quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; tháng 3/1988 hải quân Trung Quốc đánh chiếm 6 đảo đá của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa; năm 1995 hải quân Trung Quốc đánh chiếm đảo Vành Khăn của Philippin tại quần đảo Trường Sa.

Cứ cho là Trung Quốc phát triển hòa bình đến khoảng năm 2030 (có thể 2040). Trong 20 năm tới Trung Quốc sẽ hành xử thế nào đối với thế giới, nhất là với các nước có quan hệ trực tiếp với Trung Quốc?

Trung Quốc: Hiểm họa từ “trỗi dậy hòa bình”

Trung tướng Vương Quán Trung (phải), người dẫn đầu đoàn Trung Quốc ở Shangri-La, trong buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Singapore - Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 25/3/2003, Hồ Cẩm Đào đã xác định rõ: “Từ nay tới 2020 là thời kỳ cơ may chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc. Điều này có nghĩa là 17 năm tới kể từ 2003, Trung Quốc sẽ không dính líu quân sự vào các cuộc xung đột, Trung Quốc dốc sức vào xây dựng, quan hệ Trung - Mỹ sẽ không có gì trục trặc xảy ra”.

Do đó, mặc dù Hồ Cẩm Đào đã rời chính trường nhưng người ta cũng có thể tin rằng sẽ không có xung đột Trung - Mỹ. Nhật Bản và Ấn Độ không phải là đối thủ chủ yếu của Trung Quốc, nhưng theo Bắc Kinh hai quốc gia này cản trở sự bành trướng của Trung Quốc ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Nam Á. Từ nay đến trước, sau 2030, Trung Quốc sẽ giữ quan hệ “nửa bạn, nửa thù” (về ngoại giao công khai là bạn, thực chất là thù) với Nhật Bản, Ấn Độ, và khi có điều kiện sẽ không ngần ngại lấn lướt, gây sự chèn ép hai cường quốc này, nhưng không dẫn đến chiến tranh lớn (không loại trừ xung đột quân sự ở mức độ hạn chế, nhanh, gọn, đặt chuyện đã rồi).

Kiềng các nước lớn nhưng đồng thời họ sẽ gây sự với các nước nhỏ, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ dùng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với các nước trong khu vực. Tháng 6/2012 khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam, một hoạt động lập pháp bình thường nhằm nội luật hoá Công ước LHQ về Luật biển 1982 mà Việt Nam là thành viên, thì Trung Quốc đã nhân cơ hội này triển khai một loạt động thái có chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố cấp địa khu Tam Sa”, một thành phố có 15 km2  nhưng lại cai quản đến 2 triệu km2vùng biển, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc tổ chức bầu “thị trưởng”, “hội đồng nhân dân” và lập “Bộ chỉ huy đồn trú quân” cấp sư đoàn tại Tam Sa… Trung Quốc ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng ĐQKT và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc còn xua tầu cá tràn xuống Biển Đông đánh bắt cá, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng ĐQKT.

Hiện nay Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Họ đã sử dụng một số lượng lớn tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, quân sự cùng máy bay chiến đấu, đặc biệt Trung Quốc cho mở bạt che nòng súng trên các tàu quân sự chĩa vào tàu dân sự của Việt Nam. Các hành động này cho thấy rõ ràng Trung Quốc đã có hành động đe dọa sử dụng vũ lực. Các hành động này là hết sức nguy hiểm, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Trung Quốc trong thời gian qua cũng gây nhiều sóng gió trên biển Hoa Đông với Nhật Bản, tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ở Trung Quốc, dư luận bị hâm nóng bởi chủ đề Điếu Ngư xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc không ngại ngần khi nói đến khả năng “xung đột vũ trang” giữa hai nước. Phía Nhật Bản cũng tỏ ra không nhân nhượng.

Tình hình căng thẳng đến mức mà báo giới Nhật Bản cũng nói đến nguy cơ “chiến tranh” giữa hai nước. Chính phủ mới của Nhật Bản đã tuyên bố không thương lượng về chủ đề Senkaku vì quần đảo này- theo Chính phủ Nhật Bản, hiển nhiên là của Nhật Bản. Chính phủ Nhật vừa tăng ngân sách quốc phòng. Tân Thủ tướng Abe mới đây đã phát biểu với báo giới, cảnh báo “Trung Quốc không thể lấy đi lãnh hải hay lãnh thổ của một quốc gia nào đó bằng cách hăm dọa hay áp bức”.

Về phía Trung Quốc, mạng tin Sankei ngày 16/1/2014 cho biết, Thiếu tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Bành Quang Khiêm tuyên bố rằng, chỉ cần Nhật Bản bắn một phát đạn vào máy bay Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc Nhật Bản khai chiến. “Trung Quốc không thể chờ đến phát đạn thứ hai mà sẽ lập tức phản công” – viên tướng này nói. Còn Thiếu tướng La Viện - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Khoa học quân sự - ngày 15/1 cũng tuyên bố trên mạng tin của tờ People’s Daily rằng: “Chúng ta hoàn toàn không sợ chiến tranh với Nhật Bản”. Đại tá không quân Đới Húc thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc đang triển khai học thuyết: “Để đối phó với Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản, không quân Trung Quốc cũng cần tung chiến đấu cơ”.

Trên biển Hoàng Hải, Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc về phạm vi vùng ĐQKT, trong đó có đảo đá Socotra (Hàn Quốc gọi là Leodo, Trung Quốc gọi là Tô Nham). Dư luận chưa quên vụ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc hung hãn tấn công và đâm chết một cảnh sát biển Hàn Quốc hồi tháng 12/2011, trong khi cảnh sát biển Hàn Quốc vây bắt 2 tàu cá Trung Quốc ở gần đảo Socheong, thuộc thành phố Incheon, ở phía Tây của Hàn Quốc, cách không xa biên giới biển giữa Hàn quốc và CHDCND Triều Tiên.

Lòng tin của thế giới với Trung Quốc ngày càng giảm

Trung Quốc là một quốc gia có đường biên giới dài 22.143km trên đất liền, tiếp giáp với 14 quốc gia khác, và có đường bờ biển dài trên 14.500 km, Trung Quốc hiện là quốc gia có nhiều tranh chấp biên giới với nhiều nước nhất trên thế giới. Có lẽ đó là một kỷ lục không quốc gia nào trên thế giới muốn “cạnh tranh” với Trung Quốc.

Hậu quả của nó là bộ lộ khoảng cách giữa lời nói và hành động của Trung Quốc càng lớn, lòng tin của các quốc gia trong khu vực đối với Trung Quốc càng giảm, Trung Quốc càng bị cô lập trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Tiến sỹ Ely Ratner, Phó giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ (Center for a New American Security), và cũng là chuyên viên của Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ nhận xét rằng: Khi không nước nào tin rằng Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình nữa thì các nước trong khu vực tìm kiếm các biện pháp tài phán, xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế mới, thậm chí tăng cường khả năng tự vệ là điều cần thiết và hợp lý. Điều này hoàn toàn đi ngược với lợi ích của Trung Quốc, cả về ngắn hạn và dài hạn, bởi vì nước lớn nào cũng phải tạo dựng một môi trường hòa bình và hợp tác ở khu vực địa lý kề cận với mình. Một môi trường như vậy không thể được tạo dựng bằng chính sách cường quyền và một chính sách cường quyền thì không thể giúp xây dựng các mối quan hệ bè bạn…

Năm 2010, Trung Quốc xuất bản cuốn sách “Giấc mơ Trung Quốc – Tư duy nước lớn và định vị chiến lược trong thời đại hậu Mỹ” đã trở thành sách bán chạy nhất. Hầu như không có một phản ứng trái chiều nào từ cuốn sách này, mặc dù nội dung cuốn sách nêu các biện pháp soán ngôi Mỹ rất “cải lương” phi thực tế, sách chỉ có giá trị kích động là chính. Đọc xong sách này, nhà báo Jeffrey Schmidt thốt lên: “Trung Quốc đã tháo găng tay và đang thách thức sự thống trị thế giới của Mỹ”.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc: Hiểm họa từ “trỗi dậy hòa bình”