Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương- 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không những đã xâm phạm vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà còn đe dọa an ninh hàng hải, hàng không trên biển Đông.
Tham vọng biến biển Đông thành “ao nhà”
Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng, với nhiều tuyến vận tải biển nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Khu vực biển nằm gần quần đảo Hoàng Sa cũng là tuyến đường vận tải dầu quan trọng tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn là sự cản trở hoạt động hàng hải quốc tế trên toàn bộ hành lang hàng hải ở Biển Đông. Vì đi theo giàn khoan HD-981 là 80 tàu các loại cùng máy bay, thiết lập một vùng cấm đi lại trong bán kính ba hải lý sẽ cản trở rất lớn đối với an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia nhận định: “Cái lợi ích chung của các nước đối với an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là tàu thuyền được tự do qua lại vô hại ở Biển Đông và không ảnh hưởng đến các hoạt động của tàu thuyền. Tuy nhiên hoạt động của giàn khoan HD981 cũng như các tàu các loại như vậy chắc chắn sẽ cản trở sự qua lại của các tàu thương mại của các tàu nghiên cứu tàu vận tải qua khu vực này và nó sẽ ảnh hưởng tới an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông”.
Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ cho biết: “Tranh chấp mà không kiềm chế được, không có những giải pháp thích hợp thì rõ ràng trở thành những điểm nóng với những cuộc đụng độ và tàu bè hàng ngày đi qua đây từ Trung Đông, Địa Trung Hải qua Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương đi lên các vùng kinh tế mà rất là sôi động ở Đông Bắc Á chắc chắn bị ảnh hưởng”.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu đanh thép, xuất phát từ thực tế để cảnh báo cho các nước trên thế giới và khu vực biết: Sự kiện xảy ra không chỉ đe dọa riêng Việt Nam mà con đe dọa toàn bộ an ninh hòa bình cũng như an ninh hàng hải trong khu vực. Vì vậy các nước ASEAN phải có nghĩa vụ đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề này. Và không chỉ các nước trong khu vực mà ngay cả các nước ngoài khu vực có giao lưu hàng hải qua khu vực biển Đông cũng phải tỏ thái độ rõ ràng.
Cách ứng xử của Trung Quốc như vừa qua hòng kiểm soát và khống chế khu vực biển Đông. Trên không, họ đã ra tuyên bố là kiểm soát vùng trời ở biển Hoa Đông và bây giờ, họ có khả năng sẽ đưa ra tuyên bố kiểm soát nốt vùng trời biển Đông, nhằm độc chiếm Biển Đông như ao nhà của họ.
TS. Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách pháp luật phát và triển, Học giả Fullbright trường Luật Đại học Tổng hợp Boston cho rằng: Trung Quốc đã đơn phương ra thông báo cấm đánh bắt cá ở các vùng biển của Việt Nam, cắt cáp các tàu thăm dò, đối đầu với tàu quân sự của Mỹ trên vùng biển quốc tế tại biển Đông và gần đây nhất là việc họ dùng vũ lực tại khu vực này. Đó là những hành vi quấy rối, thể hiện tham vọng kiểm soát và khống chế biển Đông không chỉ với Việt Nam mà còn đối đầu với Mỹ.
Theo TS. Hoàng Ngọc Giao, không chỉ có việc tuyên truyền, chúng ta cần phải làm rõ bản chất của chính sách và hành vi đối ngoại cường quyền, xâm lấn xuống biển Đông của Trung Quốc cho cộng đồng quốc tế biết. Có những kênh chính thức đó là kênh ngoại giao, kênh pháp lý, kênh ngoại giao nhân dân, kênh hoạt động của các Hội nghề ở Việt Nam. Ví dụ như Hội nghề cá Việt Nam có thể ra tuyên bố và liên hệ với Hội nghề cá Đông Nam Á để khẳng định sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với tài nguyên thủy sản ở biển Đông. Ngoài ra, còn có các tổ chức khác như các Hiệp hội quốc tế trong lĩnh vực dầu khí, giao thông vận tải biển...
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam
Trước thềm Hội nghị diễn ra, các ngoại trưởng ASEAN đã ra một tuyên bố chung cho thấy ASEAN đã thấy được nguy cơ với khu vực đồng thời tinh thần ASEAN được thăng hoa và phát triển hơn. Sự thay đổi đó rất thuận lợi bởi đó là tiếng nói của một khu vực, tiếng nói của các quốc gia trong quan hệ với Trung Quốc nhất là nhóm quốc gia này không phải là “người ngoài”, nhóm các quốc gia ASEAN đã chính thức tham gia ký tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với Trung Quốc và đang đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Tiếng nói của ASEAN rất thuận lợi cho chúng ta trong cuộc đấu tranh để chống lại đường lối cũng như hành vi xâm lấn Biển Đông của Trung Quốc.
Việt Nam phải cương quyết
Việc làm của Trung Quốc không chỉ nhằm mục đích xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà còn là một phép thử. Đã đến lúc Việt Nam phải cứng rắn, cương quyết với Trung Quốc. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Trong đường lối đối ngoại, không chỉ ASEAN mà Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ là những quốc gia có lợi ích rất nhiều ở biển Đông đồng thời đó cũng là các quốc gia ứng xử có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế với mong muốn thực hiện trật tự quốc tế theo đúng luật pháp chứ không phải theo đường lối cường quyền, áp bức bắt nạt nước nhỏ. Chúng ta cần có sự đoàn kết và gần gũi hơn với họ.
TS. Hoàng Ngọc Giao bình luận: Trong quan hệ quốc tế, việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế được sắp đặt như một trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Và sự hiện diện của các nước lớn trong Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã được xác định trong Hiến chương Liên Hợp quốc như một trật tự đã được sắp xếp. Sự hiện diện này của những nước lớn đi kèm với nghĩa vụ phải duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, với vị trí đó, nhiều khi vì lợi ích quốc gia, nó vẫn bị lợi dụng và người ta tận dụng quyền phủ quyết để vi phạm pháp luật quốc tế. Vì thế, trong việc cải tổ Liên hợp quốc, trong thời đại mới này có nhiều nước có vị trí, uy tín về mặt chính trị, kinh tế và trách nhiệm đối với quốc tế, có thể xứng đáng được bổ sung là thành viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Trung Quốc có thể đang mưu toan thực hiện một chính sách bành trướng để hy vọng giành quyền kiểm soát biển Đông, giành lợi thế về địa chính trị nhưng về mặt ngoại giao cho đến thời điểm họ gây sự như thế này, các nước Đông Nam Á đã cảnh giác với họ, xa dần và từ đó ảnh hưởng đến giao dịch buôn bán của họ, giảm niềm tin đối với họ. Đó là những điều Trung Quốc đang mất và sẽ mất nhiều hơn nếu họ bị cô lập trong khu vực. Đó là sức mạnh của luật chơi quốc tế.
Về ý kiến cho rằng Việt Nam nên lập một “vành đai an ninh” biển với các quốc gia này, TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng: Trong thời đại này, lợi ích các quốc gia rất khác nhau, không phải lúc nào cũng đồng nhất. Vì vậy chúng ta phát huy đúng đường lối là làm bạn với tất cả các nước và chơi công bằng, thẳn thắn, sòng phẳng với các nước. Chúng ta đa phương hóa quan hệ thì luôn có sự thuận lợi trong công tác đấu tranh ngoại giao cũng như phát triển kinh tế.
Liên quan đến an ninh hàng không trên khu vực biển Đông, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương-981 vào vùng chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam là “hành động hết sức nghiêm trọng” và “ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Biển Đông hiện là một trong những khu vực có những đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới. Sự gia tăng đột biến các hoạt động bay ngoài đường hàng không tại khu vực đó có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động bay thường lệ của các chuyến bay bình thường trên các đường hàng không ở biển Đông.
Hiện nay, Việt Nam đang khai thác ít nhất 80 chuyến bay/tuần tới các điểm đến ở Trung Quốc, chưa kể các chuyến bay từ nước này tới Việt Nam. Vì thế, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho các đường bay tại khu vực điểm nóng trên biển Đông.