Trung Quốc - ASEAN: Nhất trí hợp tác thiết thực, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông

Bạch Dương| 15/03/2023 13:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 14/3 cho biết, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí thực hiện các dự án hợp tác hàng hải thiết thực và cùng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Trung Quốc - ASEAN: Nhất trí hợp tác thiết thực, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân  

Tuyên bố trên được ông Uông Văn Bân được đưa ra sau cuộc họp lần thứ 38 của Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được tổ chức tại Jakarta (Indonesia) từ ngày 8-10/3, theo Tân Hoa xã.

Ông Uông Văn Bân cho biết, trong cuộc họp, Trung Quốc và các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Hai bên cũng đã có các cuộc trao đổi sâu rộng về quan điểm thực thi DOC cũng như hợp tác hàng hải.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Hai bên nhất trí triển khai nhiều dự án hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường và tìm kiếm cứu nạn trên biển; đẩy mạnh đối thoại và liên lạc, làm sâu sắc hơn hợp tác cùng có lợi, cùng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Ông Uông cũng nói thêm rằng, hai bên đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch làm việc cho năm 2023. Hai bên nhất trí tổ chức các vòng Hội nghị quan chức cấp cao về việc thực thi DOC và cuộc họp Nhóm công tác chung của DOC trong năm nay, mang lại nhiều tiến bộ hơn trong quá trình đàm phán COC.

Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được Bộ trưởng Ngoạigiao các nước ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 ở Phnompenh (Campuchia). Đây là văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc, trực tiếp liên quan vấn đề Biển Đông.

Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông tên tiếng Anh là Code of Conduct, viết tắt là COC. Theo quan điểm của ASEAN, COC vừa phải kế thừa những điểm tích cực của DOC, vừa phải được nâng cao thêm trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện DOC và nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Như vậy, cùng với việc nhấn mạnh những nguyên tắc tích cực đã có trong DOC (hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982), ASEAN mong muốn COC phải có tính cam kết và ràng buộc cao hơn DOC, phải có cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện, đặc biệt là bổ sung quy định nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc - ASEAN: Nhất trí hợp tác thiết thực, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông