Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam vẫn ở ngưỡng đáng báo động.
Theo Bộ Y tế, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công.Từ 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra nghiêm trọng ở nước ta. Năm 2006, tình trạng này xuất hiện rõ ràng, xuất hiện muộn nhưng lại tăng rất nhanh.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam ngày càng nghiêm trọng
Ông Tân dẫn chứng, nếu như năm 2006, có 109,8 bé trai/100 bé gái thì đến năm năm 2013 con số này tăng lên 113,8/100 và hiện là 112 bé trai/100 bé gái. Tỉ lệ này tại Hà Nội là 114 bé trai/100 bé gái và nhận định rất khó để đưa về mức cân bằng tự nhiên.
Cá biệt, một số huyện ngoại thành Hà Nội có tỉ lệ giới tính khi sinh đạt ngưỡng báo động đỏ như: Ứng Hòa (132,6 bé trai/100 bé gái); Mê Linh (127/100); Ba Vì (123,6/100); Sóc Sơn (123,5/100); Sơn Tây (123,2/ 100); Mỹ Đức (121,9/100).
Ông Tân cảnh báo, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, đến 2050, Việt Nam sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ, trong khi hiện tại mới thiếu hụt vài trăm nghìn.
"Tổng cục Dân số chúng tôi không thể làm gì được, phải có hệ thống chính trị vào cuộc làm thay đổi toàn bộ hành vi, hệ thống”, ông Tân nói.
Theo phân tích của các chuyên gia về dân số, nguyên nhân chính của thực trạng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Hơn nữa, xu hướng và áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con, cộng thêm tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Từ tư tưởng trọng nam và áp lực giảm sinh khiến nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính khi sinh, nhất là ở những gia đình có điều kiện và học vấn cao, chỉ thích sinh con trai…
Việc giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang được ngành dân số đặc biệt quan tâm, vì đây là 1 trong 3 thách thức lớn tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến , thời gian qua, những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao bởi phần lớn chỉ mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... Trong khi đó, biện pháp căn bản, cốt lõi cần tiếp tục kiên trì thực hiện là thay đổi được tư duy của người dân.