Trốn đóng BHXH- Doanh nghiệp chịu chế tài gì?

Trang Nhi| 30/11/2019 18:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật sư Trần Đăng Minh – Công ty luật Hồng Đăng đã có buổi trả lời phỏng vấn PV báo Công lý xung quanh vấn đề chế tài xử phạt DN trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động.

PV: Xin chào LS Trần Đăng Minh! Cảm ơn anh đã dành thời gian tham gia cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công lý ngày hôm nay. Trong buổi này, chúng tôi xin phép được trao đổi với LS về những vấn đề có liên quan đến hành vi trốn đóng BHXH của doanh nghiệp.

Thưa LS, chúng tôi đã nhận được thắc mắc của người lao động tên H với tình huống cụ thể như sau: “Chị Nguyễn Hà H đã làm việc tại Công ty A được khoảng 03 năm. Trong quá trình làm việc, hàng tháng Công ty A đã trừ tiền lương của chị để đóng BHXH. Tuy nhiên, đến khi nghỉ việc và chốt sổ BHXH chị mới biết Công ty đã nợ BHXH 17 tháng. Không chỉ có chị H mà còn hơn 20 người lao động của doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng bị trừ tiền mà không được đóng BHXH. Để chốt được sổ BHXH khi chuyển sang công ty khác, chị H đã phải làm việc với BHXH quận để chốt sổ đến thời điểm Công ty A đóng tiền. Số tiền đóng bảo hiểm mà Công ty A đóng còn thiếu chị H coi như bị mất bởi khi BHXH quận đến kiểm tra, Công ty A đã không còn ở địa chỉ theo đăng ký kinh doanh”.

Trốn đóng BHXH- Doanh nghiệp chịu chế tài gì?

Luật sư Trần Đăng Minh

Hành vi trốn đóng BHXH của Công ty A có vi phạm pháp luật không thưa LS?

LS Trần Đăng Minh: Trong những năm gần đây chúng ta thấy tình trạng chây ỳ, trốn tránh việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của một số doanh nghiệp có sử dụng người lao động ngày càng gia tăng. Điều này gây ra những hậu quả hết sức to lớn, nặng nề cho quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Hơn nữa, nó còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của người lao động. Để phòng ngừa các hành vi này, BLHS năm 2015 đã có quy định cụ thể về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Theo đó, Điều 216 BLHS hiện hành quy định:

“Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:

1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000đồng;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động…”

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật hình sự thì: “Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp".

Từ quy định của pháp luật nêu trên, đối chiếu với tình huống mà chị H có hỏi cho thấy Công ty A đã có hành vi trốn đóng bảo hiểm của chị H và khoảng 20 người trong một thời gian dài (17 tháng). Hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 216 BLHS hiện hành mà tôi vừa viện dẫn ở trên.

PV: Vâng! Vậy khung hình phạt đối với hành vi này như thế nào? Thưa ông?

LS Trần Đăng Minh: Về hình phạt đối với tội danh này, Điều 216 BLHS đã có quy định chi tiết về hình phạt với các chế tài cụ thể từ khoản 1 đến khoản 5 của điều luật. Hành vi của Công ty A trong tình huống trên có căn cứ để xem xét theo quy định tại điểm b khoản 1 với tình tiết: “…trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.”, điểm d, khoản 2: “d. không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 điều này.” và khoản 5 Điều 216 BLHS đối với pháp nhân thương mại. Theo đó: “Pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

a. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng”.

Từ những phân tích trên nếu tình huống chị H hỏi là đầy đủ thông tin và Cơ quan có thẩm quyền có kết luận về hành vi của Công ty A là hành vi trốn đóng bảo hiểm và đủ yếu tố cấu thành Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 216 BLHS hiện hành thì Công ty A có thể bị xử phạt theo quy định tại Khoản 5 Điều 216 với mức phạt từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

PV: Một lần nữa xin cảm ơn LS về những chia sẻ rất hữu ích đến Quý độc giả của Báo Công lý. Chúc anh nhiều sức khỏe, thành công hơn nữa!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trốn đóng BHXH- Doanh nghiệp chịu chế tài gì?