Ngay những ngày đầu năm 2015, dư luận lại xôn xao vì chuyện trộm chó bị đánh chết tại Quảng Ninh. Qua dư luận cộng đồng mạng và từ ý kiến của những người dân tham gia truy bắt trộm chó cho thấy chính quyền cần có cách nhìn mới và cách giải quyết triệt để.
Ngay những ngày đầu của năm 2015, dư luận lại xôn xao vì chuyện trộm chó bị đánh chết tại Quảng Ninh. Qua dư luận cộng đồng mạng và từ ý kiến của những người dân tham gia truy bắt trộm chó cho thấy, chính quyền cần có cách nhìn mới và giải quyết triệt để vấn nạn trộm chó tại nông thôn.
Ngày 2/1, 2 nghi phạm trộm chó bị là Trần Đức Kha, 34 tuổi, ở xã Hồng Phong, huyện Đông Triều và Bùi Đình Đăng (34 tuổi, ở xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều rủ nhau đi ăn trộm chó. Kết quả đến khu vực thôn Triều Phú, xã An Sinh, huyện Đông Triều, thì bị dân làng vây đánh hội đồng làm Kha tử vong, Đăng bị đa chấn thương nặng, chiếc xe máy là tang vật của vụ trộm chó cũng bị người dân thiêu rụi. Theo người dân địa phương thì trong lúc tháo chạy 2 đối tượng còn dùng súng hoa cải bắn trả lại, nhưng rất may là súng không nổ.
Lướt qua các trang báo điện tử theo sát diễn biến của sự việc nói riêng và về chủ đề trộm chó bị đánh chết nói chung, thì sau mỗi bài viết có liên quan đến nội dung này tại phần bình luận dành cho độc giả rất thu hút người đọc. Đáng ngạc nhiên khi đa số các ý kiến đều khá đồng cảm với cách làm của người dân thôn Triều Phú (nhiều người còn ủng hộ, cổ súy) và đặc biệt không tỏ ra chút thương tâm cho những sinh mạng lâm vào thảm cảnh hoặc là chết đau đớn hoặc là thương vong nặng. Phần lớn đều cho rằng trộm chó bị đánh là đáng, có gan an cướp thì phải có gan chịu đòn. Thậm chí, khi có người nêu lên ý kiến trái chiều với số đông thì có thể quy chụp là không thực tế và đạo đức giả.
Bình luận của nhiều độc giả trên một tờ báo điện tử thể hiện sự đồng cảm với hành động đánh chết trộm chó tại Quảng Ninh
Nếu chỉ dựa trên sự khảo sát ý kiến tại các bình luận của độc giả tại các báo điện tử và trang mạng xã hội thì không khó để lý giải tại sao những kẻ trộm chó khi bị người dân bắt quả tang lại có những kết cục bi thảm như trường hợp của 2 đối tượng Kha và Đăng ở Đông Triều, (Quảng Ninh). Nhưng đây mới là ý kiến của những người trên internet, còn những người đã từng trực tiếp tham gia vây bắt trộm chó họ nói gì?
Anh Hoàng Công Thanh, ở huyện Thạch Thành, (Thanh Hóa) cho biết: “Nếu bạn mất trộm vàng, bạc khi hô hoán có lẽ cũng chỉ có người thân và vài người hàng xóm thân thiết tham gia bắt trộm, nhưng ở chỗ tôi khi truy bắt trộm chó thì chắc chắn cả làng sẽ cùng tham gia. Bởi lẽ mất vàng thì chỉ mình bạn mất, còn mất chó thì cả làng cũng đã từng mất, thậm chí có nhà còn mất tới 3, 4 lần trong một năm. Vậy thì ai mà không bức xúc, khi bắt được trộm chó không ai là không muốn cho nó một trận nhớ đời. Một vài người thì còn nhẹ nhàng, chứ cả làng cùng bức xúc như thế thì cũng không tránh khỏi nguy cơ chết người”.
Còn anh Vũ Đình Tuyển, ở huyện An Dương, (Hải Phòng) cho biết: “Vì nạn trộm chó mà thanh niên trong làng ai cũng có số của nhau. Khi phát hiện đối tượng khả nghi mọi người sẽ báo động để cùng theo dõi, chỉ cần chúng hành động là sẽ tri hô dân làng đuổi đánh. Gần đây bọn này rất manh động và liều lĩnh, chúng sẵn sàng chống trả lại để thoát thân. 10 vụ thì chỉ bắt được 1 vụ, nên khi bắt được nhiều người càng muốn trút sự bức xúc xuống thân xác tên trộm nhưng thật ra không ai muốn đánh chết chúng cả. Tuy nhiên, vì trong đám đông tức giận không có ai kiểm soát, lãnh đạo, lại gặp số ít người quá cố chấp hay những thanh niên hiếu chiến, bất hảo lợi dụng lúc hỗn loạn để “đánh đấm cho sướng tay” nên mới xảy ra chết người”.
Như vậy, qua câu chuyện của anh Thanh, anh Tuyển cũng như qua dư luận của cộng đồng mạng, một mặt chúng ta thấy số phận đã định đoạt của những kẻ trộm chó khi bị người dân bắt được, mặt khác cũng thấy vai trò mờ nhạt của chính quyền và lực lượng an ninh tại nông thôn. Chính quyền dường như bất lực trước cả hai việc: Ngăn chặn nạn trộm chó và ngăn chặn tình trạng người trộm chó bị đánh chết. Minh chứng cho cả hai vấn đề này chính là những vụ trộm chó bị người dân đánh chết ngày càng có xu hướng gia tăng và phổ biến trong vòng 4 năm trở lại đây. Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2015 cũng đã xảy ra một vụ, chứng tỏ nạn trộm chó ở nông thôn vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm.
Nếu chính quyền và lực lượng an ninh không giải quyết triệt để vấn nạn cẩu tặc, thì những hình ảnh đáng buồn này vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2015
Hơn nữa, vì không được giải quyết triệt để nên qua mỗi năm tính chất của “nạn trộm chó” lại có những biến đổi theo chiều hướng phức tạp hơn. Trộm con chó giờ đã không còn là trộm cắp vặt ở làng quê nữa, khi mà mỗi vụ trộm chó đều có nguy cơ dẫn đến mất mạng người rất cao. Trộm chó bây giờ đã trở thành “cướp chó” khi những đối tượng hành nghề mang theo cả “hàng nóng, hàng lạnh” sẵn sàng đe dọa sát thương người khác khi bị phát hiện.
Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi những quy định chặt chẽ hơn của pháp luật đối với nạn cẩu tặc, thì chính quyền địa phương và lực lượng an ninh tại nông thôn cần phải thay đổi cách nhìn của mình với nạn trộm chó. Trộm chó không chỉ còn là trộm cắp vặt tại làng quê, mà ngày nay, nó đã trở thành một trong những vấn đề an ninh trật tự nhức nhối tại nông thôn.
Vậy nên, cần phải mạnh tay giải quyết nó với vai trò chủ đạo của những người có chức năng và trách nhiệm về pháp lý. Khi chính quyền và lực lượng an ninh có kế hoạch chủ động phòng, chống nạn trộm chó, truy bắt những kẻ hành nghề cẩu tặc, thì vấn đề “trộm chó bị người dân đánh chết” mới có thể giải quyết được.