Nhà văn Nam Cao đã từng nói, hạnh phúc như tấm chăn hẹp, người này kéo phần hơn thì người khác đành chịu rét.
Cũng có thể dùng cách ví von đó để nói về nồi cơm ngân sách của chúng ta hiện nay. Nó quá nhỏ, quá hèo so với số người ngồi chật vòng trong vòng ngoài xung quanh đang rất cần được ăn để sống, để không kiệt sức. Chỉ cần người này vục mạnh tay một chút, là người khác nhịn đói, trẻ con, người già, những kẻ không may phải ngồi vòng ngoài thì chả còn tí cơ hội nào. Còn nếu ai đó úp cả nồi vào bát mình, thì chả còn gì để mà nói, thì chỉ còn mỗi một việc phải làm là lập tức trói tay kẻ đó lại.
Khi báo chí loan tin mấy ông lãnh đạo ở mấy cái công ty công ích của thành phố Hồ Chí Minh mỗi tháng lĩnh từ 150-210 triệu đồng lương qua sổ sách, hầu như ai cũng thốt lên cùng một nội dung: “Làm gì mà hưởng lắm thế?” Chỉ là giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên, kế toán trưởng của loại công ty tí hon (so với quy mô khủng của Tập đoàn Nhà nước) mà thu nhập tới 130.000 USD mỗi năm, thì đúng là chỉ có thể xảy ra ở một nước nghèo như Việt Nam! Số tiền đó, nếu quy ra sức mua, lớn hơn lương chính thức của bất cứ ông tổng thống, thủ tướng nào trên thế giới, cũng là những người hưởng lương từ ngân sách! Dễ hình dung hơn thì nó gấp đúng 100 lần thu nhập trung bình cả nước, gấp 7 lần mức lương trần giành cho lãnh đạo Tập đoàn lớn do Nhà nước quy định. Còn nếu đặt số tiền đó là tử số, với mẫu số là thu nhập thực của bất cứ ai trong số quá nửa số nông dân nghèo hiện nay, sẽ cho một kết quả vô hạn.
Nhưng con số 100 lần hay 1000 lần sẽ chả là gì, nếu như số tiền mà họ được hưởng không phải là lấy từ ngân sách. Chắc chắn mấy vị lãnh đạo của mấy cái công ti “bị lộ” kia đều đã học qua chương trình cao cấp quản lý nhà nước. Nhưng phòng khi có vị nào không thuộc bài nên ở đây cứ nhắc lại cho các vị hiểu kiến thức sơ đẳng tiền ngân sách là tiền gì? Nó chủ yếu là tiền thuế của dân, dùng cho những việc phục vụ lợi ích chung. Nó khác với tiền do các doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân làm ra, sau khi nộp thuế, số còn lại là của riêng doanh nghiệp hoặc cá nhân đó. Vì thế, có ông chủ mỗi năm thu nhập cả trăm tỷ đồng là chuyện bình thường và phải được coi là bình thường ngay cả trong một đất nước bình quân đầu người chưa đến 30 triệu đồng một năm.
Nhưng với tiền ngân sách thì không thể chi tiêu vô tội vạ, mà phải có quy định, có hạn mức, luôn phải bị kiểm soát, giám sát đến từng đồng. Đất nước nào trên thế giới này có nền tài chính minh bạch cũng đều như vậy. Một trong những quốc gia mà lương công chức cao ngất ngưởng như Singapore, họ bảo thẳng với nhân viên nhà nước là nếu muốn giầu có thì đi làm kinh doanh, còn đã chấp nhận làm công chức thì vĩnh viễn chỉ ở mức trung lưu thôi. Nhà nước nói rõ là chỉ trả cho anh ngần ấy tiền, không hơn một đồng nhưng cũng không kém một xu, chấp nhận thì làm, không ai cưỡng bức. Bất cứ công chức nào của Singapore mà không có của thừa kế, không trúng xổ số, không được giải thưởng, không bỗng dưng nhặt được vàng bạc, cổ vật từ vũ trụ rơi thẳng vào nhà (và đều phải chứng minh được là nó chính đáng)…mà giầu trên mức trung lưu, chắc chắn chỉ có tham nhũng.
Còn ở ta thì sao? Làm thuê cho nhà nước nhưng lại có thể tiêu tiền-nói chính xác là chia tiền- theo ý mình, như mấy vị giám đốc đang được nhắc đến. Chia tiền lấy từ ngân sách, chia cả tiền cho thuê lại tài sản Nhà nước, bị truy vấn thì giả ngố (một kiểu giả điên của tội phạm) để chối bỏ trách nhiệm, thử hỏi có nơi nào trên thế giới làm thuê lại nhiều quyền và sướng như vậy? Hay mấy vị lãnh đạo đó là những yếu nhân của đất nước, tài năng lỗi lạc, thiếu họ một ngày không được nên họ xứng đáng hưởng đậm như vậy? Dù trí tưởng tượng có nghèo nàn đến đâu đi nữa, thì bất cứ ai cũng dễ dàng hình dung ra một ông giám đốc điều hành hay ông chủ tịch Hội đồng thành viên…của những cái công ty đó có công lênh cỡ nào! Cỡ lớn nhất cũng chỉ là điều hành một cái tập thể lao động vài trăm người, toàn làm những việc thuộc loại đơn giản nhất. Nghĩa là chả cần phải bóp trán tìm công ăn việc làm, chả phải mất nửa nơ-ron thần kinh cho việc quản lý, tuyển dụng, giữ chân người tài mở nắp cống mỗi khi có mưa, tắt mở đèn mỗi ngày, cắt cành cây theo mùa…vì những “nhân sự” ấy luôn đuổi đi không hết trong thời buổi thất nghiệp hàng đống này; chả hề mất phút nào lấn vào thời gian đi nhà hàng, vào sân gôn để lặn lội tiếp thị, mở mang thị trường, cạnh tranh công việc vì nước mưa lúc nào chả sẵn, luôn dư thừa.
Cây thì ai đếm được, mà nếu mười cây chết chín thì cũng chỉ là cây chứ không phải mạng người mà có thể làm ầm lên. Nếu có chút động não thực sự có lẽ chỉ là tìm cách chi tiêu sao cho trong ấm ngoài êm cái cục tiền ngân sách to quá cỡ so với công sức bỏ ra. Trong khi đó mọi thứ, từ trụ sở đến các trang thiết bị đều được bao cấp từ chân tới răng. Còn thêm cái danh nghĩa Nhà nước để thoát vô số áp lực khiến bực mình, tổn hại sức khoẻ. Cứ chỉ việc ngày ngày đến cơ quan, thưởng thức những lời chào hỏi, vuốt ve sướng cái lỗ tai trước khi ngồi trong phòng điều hoà mát lịm, đầy đủ tiện nghi. Có phải đi đâu thì một bước lên xe xịn. Nếu muốn thì cơm bưng nước rót đến tận miệng…Mỗi năm có hẳn một khoản kếch sù tự do sử dụng, muốn cho ai ngần nào là do mình, thì nhiều người tự nguyện được hầu hạ, nâng niu chăm sóc lắm. Lẽ đời luôn là vậy. Vua chúa xưa thì cũng chỉ đến thế chứ mấy. Nhưng sướng nhất với mấy ông là mọi cái xấu, cái hỏng đều đã có sẵn một nơi rộng vô tận, mịt mù vô cùng để đổ lỗi, đó là Trời. Muốn rõ thì bắc thang lên đấy mà hỏi.
Nói thẳng ra dù có hơi bạc miệng: Đó là những thứ công việc mà bất cứ ai không bị thiểu năng trí tuệ cũng đều có thể làm được, đầy khả năng làm được ở mức tốt hơn.
Thế mà lương nhà nước thuê họ thì ngay cả Thủ tướng cũng nằm mơ không thấy! Còn hơn vạn lần ngồi mát, ăn bát vàng! Trong khi thành phố cứ mưa là nước ngập tứ tung, có thể đánh cá trên đường nhựa và năm này qua năm khác mọi việc hầu như chẳng cải thiện bao nhiêu, trong khi cây xanh cứ gió to là đổ, gió hưu hưu cũng đổ, đè lên cả người đi đường; trong khi công viên thì bị xẻ thịt tứ tung, là nơi vứt kim tiêm, vỏ bao cao su; trong khi đèn chiếu sáng lúc cần thì tắt, lúc không cần thì lại cứ sáng đến phát bực…như một hiện thực sinh động và hài hước, thì các lãnh đạo của những cái cơ quan ấy mỗi ngày cứ mở mắt ra (ngày nghỉ cũng như ngày đi làm) là có từ 5 đến 7 triệu đồng cho vào ví, gấp đôi, gấp ba lương tháng của một thợ may, bằng thu nhập cả năm của nhiều nông dân. Mà đấy mới chỉ là phần nhìn thấy. Còn phần chìm của tảng băng thì chỉ có…trời biết nó lớn nhường nào. Có cả trăm thứ góp làm nên cái phần chìm bí ẩn ấy mà ai cũng biết, chỉ nhà nước là không biết.
Nhưng chuyện đó sẽ bàn lúc khác. Điều đáng bàn ở đây và phải bị coi là vấn đề khẩn thiết không hẳn chỉ là thái độ vô tổ chức, lòng tham vô đáy, bất chấp nguyên tắc trong chi tiêu tiền của chung, mà là liệu những người như mấy ông lãnh đạo của mấy cái công ti kia-những người thể nào cũng nói không dưới vài ngàn lần, nói như đọc, trong các cuộc họp về đạo đức, nhân cách, sự liêm khiết…-có còn chút lương tâm, lòng tự trọng? Làm một, hưởng năm, hưởng mười đã là quá đáng, là đã ăn vào đức của mình và con cháu mình. Đằng này các ông hưởng đến cả trăm, cả ngàn thì trời nào im lặng mãi được. Các ông đâu có nhận lương, mà tận dụng chút may mắn được vào vị trí béo bở, tận dụng cả sự khờ dại, cả tin của xã hội để chia nhau tiền dân.
Đến nước sông, nước biển, vỏ hến, cỏ dại cũng còn có hạn nữa là tiền dân. Mà tiền dân thời nào và ở đâu cũng có cả mồ hôi và máu nữa đấy!