Cải cách tư pháp

“Trợ lý ảo” góp phần tăng tính công bằng, giảm gánh nặng cho các Thẩm phán

Mạnh Hùng 23/11/2023 - 07:44

“Việc sử dụng phần mềm Trợ lý ảo góp phần làm tăng tính khách quan, công bằng, giảm gánh nặng cho các Thẩm phán, các đương sự và người tham gia tố tụng cũng có thể thấy yên tâm hơn về phán quyết tại Tòa án”, đó là chia sẻ của ông Vũ Quang Tuấn, Chánh án TAND TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) với PV Báo Công lý khi nói về việc sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” trong giai đoạn hiện nay.

7f2a65c7-6fd1-457f-b814-05f19f9563b8.jpeg
Thẩm phán Vũ Quang Tuấn, Chánh án TAND TP. Cẩm Phả

PV: Thưa Chánh án, Trợ lý ảo được coi là bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán. Theo đó, ngành Toà án yêu cầu, bảo đảm 100% các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án sử dụng phần mềm Trợ lý ảo phục vụ công tác chuyên môn ngay sau khi được tập huấn hướng dẫn sử dụng. Ông cho biết những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phần mềm này?

Chánh án Vũ Quang Tuấn: Theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và để góp phần xây dựng nền Tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng đáng với biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin, TANDTC đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án, trong đó có việc đưa phần mềm “Trợ lý ảo” vào sử dụng.

Đây được coi là bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán. Tại đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc, qua việc khai thác đã đem lại rất nhiều thuận lợi cho các Thẩm phán và cán bộ công chức có chức danh tư pháp tại đơn vị.

Việc sử dụng phần mềm có những lợi ích cụ thể đó là: “Trợ lý ảo” đã cung cấp các dịch vụ thông minh hỗ trợ Thẩm phán, mỗi Thẩm phán giống như có một “Thư ký ảo”, giúp Thẩm phán tra cứu thông tin, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể, “Trợ lý ảo” đã giúp số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm của các Thẩm phán, qua đó các Thẩm phán khác cũng được nâng tầm tri thức của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai thực hiện cũng còn có một số khó khăn nhất định như “Trợ lý ảo” mới bắt đầu triển khai sử dụng, một số ít Thẩm phán, cán bộ có chức danh tại đơn vị chưa hình thành thói quen sử dụng, nên đơn vị vẫn còn phải thường xuyên nhắc nhở, quán triệt để vào truy cập; vấn đề trang thiết bị máy móc và đường truyền mạng cũng chưa đồng bộ, truy cập đôi khi cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, phần mềm “Trợ lý ảo” phải xây dựng trong thời gian nhiều năm, hiện nay đang thực hiện giai đoạn 2, còn nhiều nội dung đang triển khai và sẽ hoàn thiện trong thời gian tới, nên chưa thật sự hoàn chỉnh.

PV: Xin Chánh án cho biết việc áp dụng phần mềm Trợ lý ảo có ảnh hưởng tới tính độc lập trong phán quyết của các Thẩm phán hay không, thưa ông?

Chánh án Vũ Quang Tuấn: Quá trình triển khai sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” góp phần hiệu quả trong việc bảo đảm áp dụng đúng đắn, thống nhất pháp luật, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc của Tòa án. Đồng thời, Luật tổ chức TAND cũng đã quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và Thẩm phán phải chịu trách nhiệm với phán quyết của mình, nên việc áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo” không ảnh hưởng tới tính độc lập trong phán quyết của các Thẩm phán. Phần mềm mặc dù rất hữu dụng, có tính hỗ trợ cao, nhưng cũng không thể thay thế Thẩm phán khi quyết định các tình huống cụ thể xảy ra, vì còn phải cân nhắc các yếu tố đạo đức, tình, lý, cảm xúc, thái độ…

PV: Việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống phần mềm “Trợ lý ảo” được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Năm 2021, Trợ lý ảo được xây dựng phù hợp với tính chất, đặc thù của Toà án, hoàn thiện phần cơ sở dữ liệu pháp luật theo hướng đến các bộ luật để xây dựng, hình thành kênh tri thức, đáp ứng nhu cầu về tra cứu thông tin như: chỉ dẫn pháp luật, tra cứu văn bản pháp luật, hỏi đáp về án lệ… Giai đoạn 2 (năm 2022), Giai đoạn 3 (từ năm 2023 -2030). Vậy, với các giai đoạn 1, 2 và 3 đơn vị mình đã có những kế hoạch để chuẩn bị, áp dụng và triển khai trên thực tế như thế nào, thưa ông?

Chánh án Vũ Quang Tuấn: Hiện nay tại đơn vị cũng đã triển khai đủ trang thiết bị máy tính cho các Thẩm phán, chuẩn bị đường truyền tốc độ cao để đảm bảo cho việc tìm kiếm thông tin và truy cập sử dụng phần mềm được thông suốt, nhanh chóng. Tích cực triển khai Kế hoạch số 49/KH/TANDTC ngày 15/3/022 của TANDTC về triển khai áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, cử tất cả đội ngũ Thẩm phán và cán bộ, nhân viên làm công tác chuyên môn nghiêm túc tham gia các buổi tập huấn sử dụng phần mềm do TANDTC tổ chức.

Các cán bộ của đơn vị cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức khai thác dữ liệu đảm bảo nhanh chóng và chính xác nhất. Trong thời gian tới, đơn vị cũng có kế hoạch giao cho một đồng chí thành thạo về công nghệ thông tin làm đầu mối tại đơn vị, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” để đảm bảo 100% Thẩm phán thành thạo kỹ năng tra cứu thông tin, chủ động sử dụng “Trợ lý ảo” thực hiện các hoạt động tố tụng, soạn thảo văn bản, xây dựng kế hoạch giải quyết một số vụ án có tính chất phức tạp.

PV: Phần mềm Trợ lý ảo được xem như một cánh tay đắc lực, hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp. Đây cũng được xem như một trong những giải pháp quan trọng quá trình xây dựng tòa án điện tử, thể hiện quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số của TANDTC, Chánh án có chia sẻ gì về nội dung này?

Chánh án Vũ Quang Tuấn: Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các Thẩm phán trong việc đưa ra quyết định dựa trên phân tích các vụ án trước đó có tình tiết tương tự, qua đó góp phần làm tăng tính khách quan, công bằng, giảm gánh nặng cho các Thẩm phán và bản thân các đương sự, người tham gia tố tụng cũng có thể thấy yên tâm hơn về phán quyết tại Tòa án. Do đó, việc ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” vào hoạt động của Tòa án là tất yếu, một điểm sáng trong việc ứng dụng chuyển đổi số của hệ thống Tòa án.

Bên cạnh đó, việc vận hành, đưa phần mềm “Trợ lý ảo” vào sử dụng sẽ giúp đội ngũ cán bộ hành chính tư pháp tại các Tòa án thực hiện tốt hơn, nhanh chóng hơn, các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án, nên trong thời gian tới, mong muốn của tôi là, phần mềm tiếp tục được phát triển thông minh hơn, cung cấp được nhiều tính năng thông minh hơn nữa.

PV: Xin cảm ơn Chánh án!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Trợ lý ảo” góp phần tăng tính công bằng, giảm gánh nặng cho các Thẩm phán