Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12), Đoàn Cựu chiến binh (CCB) của D410 Cục Vận tải - Tổng Cục hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức chuyến đi “Trở lại chiến trường xưa”.
Để cùng nhau ôn lại kỷ niệm của những năm cầm súng, Đoàn CCB D410 Cục Vận tải - Tổng Cục hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức chuyến đi thăm lại các địa danh và các phiên hiệu đơn vị - nơi mà các cựu chiến binh đã gắn bó, rèn luyện học tập và thực hiện nhiệm vụ của người lính.
Đại tá Nguyễn Văn Ngạc, nguyên Chỉ huy trưởng đơn vị cùng với hơn 30 CCB là những người lính đã phục vụ chiến đấu qua nhiều thời kỳ hào hứng tổ chức chuyến đi. Cùng đi với Đoàn còn có đồng chí Vũ Văn Thông, nguyên Cục trưởng Cục Vận tải - Tổng cục Hậu cần.
Trước chuyến đi đầy ý nghĩa này, tất cả các thành viên trong đoàn đều có chung tâm trạng bồi hồi, xao xuyến. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng ký ức về những ngày phục vụ chiến đấu vẫn còn in sâu trong ký ức của mỗi người.
Điểm đầu tiên Đoàn đến thăm là Trường nghiệp vụ vận tải H13, Tổng cục Hậu cần đóng quân tại TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây đã đào tạo ra hàng vạn cán bộ, chiến sỹ lái xe cho quân đội qua các thời kỳ để lái những chiếc xe chở hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược và quân trang hậu cần phục vụ chiến đấu. Ngày nay, trường đã trở thành trung tâm đào tạo nghề lái xe hàng đầu của Bộ Quốc phòng.
Điểm dừng chân tiếp theo là Trung đoàn vận tải 682, Cục Vận tải - Tổng cục Hậu cần đóng quân trên địa bàn đất Nghệ An - Hà Tĩnh. Chính nơi đây, quân đội ta đã đặt những binh trạm đầu tiên phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nơi có những cô gái thanh niên xung phong mở đường, san lấp hố bom cho hàng đoàn xe qua, gắn liền với hình ảnh 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc. Đến thăm nơi đây, những người lính lại cảm thấy rưng rưng khi nhắc lại chuyện xưa.
Đoàn ghé thăm Lữ đoàn vận tải 683, Cục Vận tải - Tổng Cục hậu cần - đơn vị với trách nhiệm vận chuyển hàng hoá, đạn dược cho quân đội ta khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong những ngày chiến tranh ác liệt. Đây là đơn vị đã góp phần to lớn vào nhiệm vụ vận tải phục vụ chiến đấu qua nhiều thời kỳ gian khó. Ngày nay, đơn vị tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ sẵn sàng phục vụ chiến đấu cho toàn quân.
Đi đến mỗi đơn vị, mỗi địa danh, chúng tôi không khỏi vui mừng và ngạc nhiên về sự đổi mới và trưởng thành của bộ đội vận tải anh hùng thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Điều dễ dàng nhận thấy là phương tiện vận tải so với trước đã được hiện đại hoá, doanh trại và trang thiết bị được đổi mới toàn diện... Những người lính chúng tôi không khỏi tự hào vì đã từng đóng góp một phần công sức bé nhỏ vào sự trưởng thành to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
Đoàn cựu chiến binh D410
Đoàn CCB D410 dừng chân một đêm ở E682 - đơn vị sẵn sàng chiến đấu và vận tải chiến lược cho toàn quân. Điều khiến chúng tôi xúc động là toàn bộ cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã nhường chăn ấm và phòng ngủ cho chúng tôi, để mà sau mấy thập kỷ đi qua, chúng tôi lại được ngủ trong tấm chăn chiên và chiếc giường đơn sơ của người lính... Bao nhiêu ký ức về những ngày tháng còn trong quân ngũ lại vọng về khiến tôi có một đêm nao nao không ngủ.
Chúng tôi đã tìm lại được hình ảnh huấn luyện xe ôtô của những năm tháng ấy và xúc động chỉ cho Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường H13 cây hồng xiêm cổ thụ do chính bàn tay chúng tôi vun trồng. Cây hồng xiêm vẫn đang trĩu quả bên cạnh ngôi nhà cao tầng khang trang như nhân chứng lịch sử còn đọng lại với thời gian.
Trên đường đi vào miền Nam, Đoàn CCB chúng tôi viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù đã nhiều lần cá nhân tôi cùng gia đình về viếng mộ Đại tướng nhưng riêng lần này, khi đại tá Nguyễn Văn Ngạc - Người chỉ huy trưởng đơn vị tôi năm xưa hô nghiêm để tưởng niệm Đại tướng, đứng trong hàng ngũ năm xưa, chúng tôi xúc động mà sống mũi cay sè.
Đoàn CCB đến D410 Cục Vận tải - Đơn vị truyền thống của chúng tôi vốn đóng quân trên mảnh đồi đông Trường Sơn, đường 9 Tân Lâm - Khe Sanh - Lao Bảo xưa. Chúng tôi thực sự xúc động khi về với D410, đồng chí Trung tá D trưởng cho biết, do yêu cầu tinh giảm quân số và hiện đại hóa quân đội hiện nay, cán bộ chiến sỹ của tiểu đoàn đã giảm nhiều nhưng nhiệm vụ chính trị thì vẫn rất nặng nề. Ngoài nhiệm vụ chính, với trên 30ha đất đồi đóng quân, cán bộ chiến sỹ nơi đây đã ngày đêm tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Giữa đơn vị là sân bóng đá và sân tập, phía sau là vườn rau đủ các loại, tiếp đến là ao cá, chuồng lợn hàng trăm con, dê, gà hàng ngàn con... Đơn vị cải thiện không hết còn đem bán gây quỹ cho đơn vị.
Về tới TP. Đà Nẵng, chúng tôi đã được gặp lại hàng chục CCB thân thương mà hàng chục năm qua chưa được gặp lại. Những cái bắt tay, ôm nhau râm ran trò chuyện cho một buổi gặp nồng ấm, chân tình của người lính mà không có gì đo đếm được.
Điều sẽ còn đọng mãi trong lòng chúng tôi là những cái bắt tay rất chặt, thắm tình đồng đội của các đồng chí lãnh đạo chỉ huy và CBCS các đơn vị đoàn chúng tôi đến. Dù còn rất ít các đồng đội cũ tại ngũ nhưng có lẽ chỉ có ai đã đi qua cuộc đời quân ngũ mới hiểu được những tình cảm chân thành ấy.
Vẫn là hình ảnh của chúng tôi cách đây mấy chục năm và hôm nay họ vẫn vậy. Những người lính vẫn âm thầm hy sinh tuổi 20 vì mục đích cao cả: Gìn giữ bình yên cho đất mẹ.