Chiều nay 21/9, Phiên họp thứ 3, UBTVQH cho ý kiến Tờ trình của TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
Cần thiết phải tổ chức phiên tòa trực tuyến
Trình bày Tờ trình của TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao báo cáo và đề xuất UBTVQH về việc giao TANDTC chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo đó, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với quan điểm chỉ đạo, chủ trương định hướng của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; phù hợp với xu hướng toàn cầu về công nghệ số trong hoạt động xét xử của Tòa án; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, thực tiễn của Việt Nam, hiện nay, các đạo luật về tố tụng tư pháp (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến…
Phạm vi áp dụng phiên tòa trực tuyến gồm: Các vụ án hình sự, hành chính, dân sự. Trước mắt là các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh; Xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; Có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.
Tất cả các phiên tòa trực tuyến phải được Tòa án tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh để lưu trữ cùng hồ sơ vụ án phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, thanh tra, kiểm tra…
Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng: Đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án.
Pháp luật tố tụng hiện hành (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) chưa quy định về hình thức xét xử trực tuyến nhưng đã quy định một số trình tự, thủ tục tố tụng được áp dụng phương thức giao dịch điện tử (thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử, thực hiện thủ tục cấp, tống đạt văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử, nhận đơn khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử…).
Đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao kịp thời đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử trong tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, nhiều vụ án đã thụ lý nhưng chưa mở được phiên tòa theo kế hoạch; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo và người tham gia tố tụng khác đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch bệnh, không thể trực tiếp tham gia phiên tòa. Do đó, đòi hỏi cần có ngay giải pháp để bảo đảm công tác xét xử bình thường của Tòa án; bảo đảm việc đưa ra xét xử các loại vụ án đúng thời hạn do pháp luật quy định.
Tuy nhiên, về thẩm quyền cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, Thường trực UBTP còn 02 loại ý kiến:
Đa số ý kiến tán thành với TANDTC, đề nghị UBTVQH xem xét: Thống nhất về chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến như đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao tại Văn bản nêu trên;
Giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật;
Giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Sau 03 năm, kể từ ngày văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệc lực thi hành, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm tổng kết thực tiễn thi hành và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét”.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, thì nội dung cho phép TANDTC tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021).
Cần phải giải thích luật
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hiện quy định của 3 bộ luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính đều quy định việc “xét xử trực tiếp bằng lời nói” mà chưa quy định bằng hình thức trực tuyến. Vậy cơ sở pháp lý ban hành quy chế như thế nào đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ. Cùng với đó là thẩm quyền giải thích luật ra sao của UBTVQH về quy định này.
Qua thảo luận, đa số ý kiến trong UBTVQH đồng tình với việc cần thiết ban hành quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến. Quy định này phù hợp với điều kiện hiện nay; phù hợp với xu thế toàn cầu và cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng chánh án Châu Á, ASEAN.
Phát biểu thảo luận, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật nhận định: Tổ chức phiên tòa trực tuyến là phù hợp trong bối cảnh hiện nay; không chỉ ở Việt Nam mà là xu thế chung của thế giới. Hiện đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng mô hình này.
Như Trung Quốc, tháng 6/2021, Tòa án đã ban hành quy chế tranh tụng trực tuyến để áp dụng đến hệ thống Tòa án của Trung Quốc. Cùng với đó đã áp dụng xét xử trực tuyến một số vụ án nhỏ.
Bà Thủy cũng cho biết, như Tờ trình của TANDTC đã thể hiện, việc xét xử trực tuyến không giống như học sinh học trực tuyến qua phần mềm room, mà HĐXX vẫn ở phòng xử để xét xử và việc xét xử vẫn diễn ra trực tiếp bằng lời nói, cùng với sự tham gia của các bên tố tụng kết nối với Tòa án qua phương tiện điện tử. Điểm cầu kết nối có thể là trại tạm giam hoặc trụ sở TAND khác, có thể là Tòa án cấp huyện – nơi gần nhất với người tham gia tố tụng…Như vậy hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc xét xử trực tiếp mà Bộ luật tố tụng nêu.
Đại diện Bộ Công an, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cùng đồng tình với đề xuất của TANDTC. Các cơ sở pháp lý, sự cần thiết ban hành quy chế đều đầy đủ; cơ bản phù hợp với các bộ luật về tố tụng, thông lệ quốc tế và cơ sở thực tiễn thì Việt Nam cũng đã tiến hành ở một số vụ án cụ thể. Đặc biệt phù hợp với tình hình hiện nay về phòng chống dịch.
Các nội dung đề xuất cuả TANDTC, Bộ Công an cơ bản đồng tình. Tuy nhiên, về quy định của Bộ luật tố tụng hình sự “việc xét xử trực tiếp bằng lời nói”, Bộ Công an cũng băn khoăn là hiện nay để hiểu, thống nhất sao cho đồng bộ về quy định này có bao gồm trực tuyến hay không?
Nhưng để giải quyết vấn đề này, đề nghị UBTVQH có nghị quyết để giải thích về từ ngữ này làm cơ sở để TANDTC xây dựng quy chế. Đề nghị với nội dung “xét xử trực tuyến” là một trong những nội dung, hình thức xét xử trực tiếp có hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng nhận định: Nội dung trình của TANDTC phù hợp với các trương, đường lối của Đảng. TANDTC cần xin ý kiến Bộ Chính trị, Chủ tịch nước về vấn đề này. Sau khi Bộ Chính trị đồng ý rồi sẽ đưa ra UBTVQH để bàn. Xét xử trực tuyến là xu thế chung của toàn cầu. Trong khối Asean hiện nay có Việt Nam, Lào, Campuchia là chưa triển khai mô hình này, vậy nên cần phải xem xét.
Trình Bộ Chính trị xem xét
Giải trình thêm về nội dung này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trên quan điểm những gì có lợi cho công việc chung, cho người dân và không trái luật thì ta làm.
Xét xử trực tuyến là vấn đề mà sớm muộn chúng ta vẫn phải làm. Thế giới đã triển khai từ rất lâu rồi, Việt Nam đến nay mới bắt đầu chuẩn bị nhưng còn một số điểm vướng mắc. Trước mắt, do tình hình dịch bệnh, Tòa án không thể tổ chức phiên tòa trực tiếp được nên buộc phải thúc đẩy hình thức này nhanh hơn.
Như trong Tờ trình mà TANDTC đã báo cáo UBTVQH, xét xử trực tiếp là nguyên tắc tư pháp được quy định trong luật của tất cả các quốc gia trên thế giới, không riêng ở Việt Nam. Nhưng hơn một nửa thế giới, khi quy định xét xử trực tiếp vẫn triển khai song song hình thức trực tuyến.
Xét xử trực tiếp và trực tuyến không có gì mâu thuẫn nhau. Thế giới quy định: Phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một Phòng xử án, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể và vào cùng một thời điểm.
Đây là quan niệm chung của thế giới và đã được TANDTC vận dụng để xây dựng quy chế. Về bước đi, khi bàn các nội dung của cụ thể quy chế, TANDTC sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan. Những vụ án được áp dụng xét xử trực tuyến sẽ được giới hạn cụ thể. Về nguyên tắc đảm bảo quyền con người, nguyên tắc tư pháp….
Vì vậy, theo như ý kiến của các bộ ngành tại phiên họp hôm nay đề nghị UBTVQH có nghị quyết giải thích quy định của pháp luật về vấn đề này để TANDTC có căn cứ ban hành quy chế. Phía TANDTC đề nghị, đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này để TANDTC có cơ sở triển khai thực hiện, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các ý kiến trong UBTVQH đều đồng tình với chủ trương xét xử trực tuyến của TANDTC. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn về thẩm quyền giải thích luật của UBTVQH liên quan đến quy định "xét xử trực tiếp" của các bộ luật về tố tụng. Vì vậy, đề nghị đồng chí Tổng thư ký và Ủy ban Pháp luật tổng hợp nội dung, trình Bộ Chính trị cho chủ trương về vấn đề này, trên cơ sở đó, Quốc hội xử lý các bước tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tích cực phối hợp với TANDTC; cố gắng quý 4/2021 Tòa án có thể triển khai thực hiện.