Đại sứ Triều Tiên Ja Song Nam vừa đưa ra tuyên bố trong một lần xuất hiện hiếm hoi tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước trước sự tống tiền và đe dọa hạt nhân của Mỹ.
Ngày 15/12, tại New York (Mỹ) diễn ra cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Các nước tham dự đã có cuộc tranh cãi dữ dội.
Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson không bỏ qua cơ hội đề nghị Triều Tiên ngưng thử tên lửa, tạo điều kiện cho hai nước đàm phán về các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song-nam lại không hề đề cập đến khả năng đàm phán.
Thay vào đó, ông gọi cuộc họp của Hội đồng Bảo an là "biện pháp tuyệt vọng” của Mỹ trong bối cảnh Triều Tiên đạt được thành công to lớn trong sự nghiệp lịch sử vĩ đại khi hoàn thành lực lượng hạt nhân quốc gia. Ông Ja cũng nhắc đến vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Bình Nhưỡng phóng hôm 29/11, tên lửa có khả năng bắn tới lục địa Mỹ.
Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song-nam
Đại sứ Ja cho biết, Triều Tiên là mục tiêu của 11 nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác đều áp đặt các biện pháp bổ sung. Tuy nhiên, tất cả những lệnh cấm này không ngăn chặn được các cuộc thử nghiệm hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên hay dẫn đến đàm phán.
Tại cuộc họp, ông Tillerson cũng đề nghị Trung Quốc và Nga tăng áp lực lên Triều Tiên bằng cách làm nhiều hơn nữa ngoài thực hiện các lệnh trừng phạt của LHQ. Tuy nhiên, ý kiến này không được hưởng ứng nhiệt tình.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nhận định Triều Tiên không có vẻ gì muốn từ bỏ các chương trình hạt nhân, tên lửa và không quan tâm đối thoại thực chất. Ông cho rằng nếu Triều Tiên có ngưng thử tên lửa một thời gian đi nữa cũng không phải Triều Tiên đang để yên các chương trình vũ khí của mình.
Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wu Haitao không phản đối thi hành các lệnh trừng phạt của LHQ nhưng nói việc đơn phương trừng phạt sẽ ảnh hưởng tính thống nhất của Hội đồng Bảo an và tổn thương quyền lợi hợp pháp của các nước khác, vì vậy nên từ bỏ.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cũng đồng tình quan điểm và lo ngại của Trung Quốc về chuyện trừng phạt đơn phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói phải khôi phục ngay lập tức các kênh giao tiếp với Triều Tiên, gồm cả các kênh quân sự liên Triều, nhằm giảm thiểu rủi ro hiểu lầm dẫn tới xung đột.
Cuối cùng, cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 15/12 về Triều Tiên không đạt được kết quả cụ thể nào, nhưng hầu hết các nhà ngoại giao đều nhấn mạnh sự cần thiết phải gia tăng áp lực lên Triều Tiên thông qua việc thực thi các lệnh trừng phạt và giải giáp hạt nhân trên bán đảo, tìm kiếm các cuộc đàm phán với chính quyền của ông Kim Jong-un.