Triết lý “vì mẹ là mẹ chồng em” qua lăng kính của biên kịch Đỗ Trí Hùng

Minh Khang| 11/10/2018 09:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù thế nào em vẫn phải đến vì mẹ là mẹ chồng em” là câu nói của nhân vật trong “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” đang được phát sóng trên VTV1 khiến nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng tâm đắc.

Màu sắc của NSND Khải Hưng hay nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng

Với kịch bản “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” được bắt đầu bởi gợi ý của đạo diễn NSND Khải Hưng, thời điểm đó – đầu 2010 – anh gợi ý tôi “ Nên viết một bộ phim về chân dung doanh nhân thành đạt, đi lên từ tay trắng, và là nữ doanh nhân thì càng tốt”, rồi anh kể tôi nghe những câu chuyện anh lượm lặt được từ báo chí, rất nhiều gương mặt nữ doanh nhân, trong đó có câu chuyện về một bà chủ vựa ve chai, sau đó thành giám đốc một nhà máy giấy, một câu chuyện có thật, tôi rất thích câu chuyện đó.

Triết lý “vì mẹ là mẹ chồng em” qua lăng kính của biên kịch Đỗ Trí Hùng

Nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng

Sau đó tôi và đạo diễn Khải Hưng cùng thảo luận, xây dựng cốt truyện, hệ thống nhân vật, tính cách và số phận của họ rồi tôi viết thành đề cương, anh Hưng đọc và góp ý, rồi sửa chữa thêm bớt, cho đến khi đề cương hoàn chỉnh từng tập, từng chi tiết rồi, tôi mới bắt tay viết.

Tôi nghĩ, anh Khải Hưng hoàn toàn đủ tư cách là đồng tác giả với tôi ở bộ kịch bản này. Như vậy, nếu câu hỏi là màu sắc của ai nhiều hơn, tôi nghĩ là ngang nhau.

Với kịch bản “Hạnh phúc không ở cuối con đường”, tôi muốn chia sẻ với khán giả một điều rằng, cuộc đời mỗi con người thực chất là một hành trình tìm kiếm hạnh phúc, một hành trình đầy gian nan, bất trắc và không thể lường trước được những thử thách nào đang chờ đợi ta trong suốt chặng đường đó. Mỗi người sẽ tự viết nên số phận của mình bằng cách vượt qua thử thách và đó cũng là ý nghĩa cuộc sống, là hạnh phúc của họ.

“Hạnh phúc không có ở cuối con đường” là bộ dài hơi nhất

“Hạnh phúc không có ở cuối con đường” phản ánh thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, trong khoảng 10 năm từ 1997 đến 2007. Sự thay đổi các hệ giá trị ở thời kỳ này khá rõ nét, nó đầy biến động và kịch tích, bởi vậy nó là nguồn chất liệu hiện thực phong phú cho các tác phẩm nghệ thuật. Trước đó tôi viết nhiều kịch bản về cùng đề tài này, như “Chuyện vặt gia đình” (phim hài 1 tập), “Kẻ không cầu may” (tâm lý 6 tập), “Người nổi tiếng” (tâm lý 5 tập) .v.v...

Nhưng “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” là bộ dài hơi nhất. Khó khăn khi viết thể loại phim dài tập là phải dựng cho được số phận của nhân vật. Sự hấp dẫn của phim chính là số phận của nhân vật. Biên kịch phải làm thế nào để khán giả phải theo dõi hành trình của nhân vật đến không dứt ra được.

Triết lý “vì mẹ là mẹ chồng em” qua lăng kính của biên kịch Đỗ Trí Hùng

Để làm việc này, tư liệu thực tế chỉ có tính chất gợi ý, nó không phải là phần quan trọng nhất của người sáng tác, bởi sáng tác là hư cấu, cho nên sự hay dở, thành bại của tác phẩm là phụ thuộc khả năng hư cấu, tức trí tưởng tượng của tác giả. Sự hư cấu phải bảo đảm tính chân thực, tức là bịa phải như thật, và bởi vì nó không thật nên nó phải đặc biệt, độc đáo và lạ để có thể quyến rũ người xem.

Toàn bộ các nhân vật trong kịch bản “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” hoàn toàn do tôi và đạo diễn Khải Hưng “bịa ra”, tức là hư cấu, rồi tạo ra số phận của họ, những số phận đó phải đảm bảo được yêu cầu phản ánh bộ mặt của một thời kỳ, đồng thời lại rất riêng biệt và độc đáo.

Thục Quyên là nhân vật trung tâm, cô ấy ngay từ đầu, khi yêu Quang, đã gặp bao khó khăn và cô ấy phải vượt qua, sau đó là người chồng vỡ nợ, phạm tội vào tù, bản thân không có việc làm tay trắng, tình thế buộc cô phải mạnh mẽ, vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác để đi đến thành công. Vì vậy, số phận của Quyên là số phận đặc biệt và có tính chất lôi cuốn khán giả. Tất nhiên, lôi cuốn đến mức nào thì còn tùy và khả năng cụ thể của kịch bản những người làm phim cũng như khả năng tiếp nhận của khán giả nữa.

Một bộ phim hay, phụ thuộc bao nhiêu phần trăm vào kịch bản? Tôi nghĩ cũng tương tự như các môn nghệ thuật khác, như văn học chẳng hạn, có tác phẩm hay vì ngôn ngữ, có tác phẩm hay vì cốt truyện, hay vì tư tưởng, tầm triết lý.... vậy nên có nhiều quan niệm khác nhau về cái hay.

Phim ảnh cũng vậy!

Dù thế nào em vẫn phải đến vì mẹ là mẹ chồng em”

Nếu cái hay của phim truyền hình dài tập là phụ thuộc vào tình huống, cốt truyện, số phận nhân vật thì vai trò của kịch bản rất quan trọng, bởi vậy các đạo diễn – như NSND Khải Hưng – trước khi làm phim, anh ấy làm việc rất kỹ với biên kịch về kịch bản, bởi vai trò của kịch bản quyết định già nửa thành công của bộ phim.

Kịch bản “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” là kịch bản tâm đắc, không chỉ với tôi, mà cả với đạo diễn Khải Hưng, bởi cả tôi và anh ấy đều là những người sống thời tuổi trẻ trong thời bao cấp, rồi chứng kiến sự đổi thay của thời chuyển đổi cơ chế cho đến giờ. Nhiều giá trị cũ đã biến mất, giá trị mới được tạo dựng và cả những phản giá trị, hay nói cách khác là mặt trái của thị trường.v.v. xuất hiện.

Bộ phim là một chuỗi các sự kiện, trong đó rất nhiều sự kiện, nhiều chi tiết khiến tôi tâm đắc, đặc biệt những sự kiện liên quan tới nhân vật chính Thục Quyên, chẳng hạn việc cô ấy dám đối diện với bà Hà mẹ của Quang, ngay sau khi hai người đăng ký kết hôn, thậm chí Quang rất lo lắng, sợ hãi thì Quyên vẫn dám xác định rằng “dù thế nào em vẫn phải đến vì mẹ là mẹ chồng em” và ta biết, cô đã bị đối xử tàn nhẫn thế nào.

Hoặc chi tiết Quyên một mình mang hai con nhỏ vào tận miền Nam tìm chồng, lúc đó Quang đang trốn nợ, đầy bi quan và tuyệt vọng, nhưng Quyên đã thuyết phục được Quang quay về đối diện với hậu quả do sai lầm của mình gây ra.

Triết lý “vì mẹ là mẹ chồng em” qua lăng kính của biên kịch Đỗ Trí Hùng

Triết lý “vì mẹ là mẹ chồng em” qua lăng kính của biên kịch Đỗ Trí Hùng

Một số hình ảnh trong phim

Nhưng sự kiện tôi đặc biệt tâm đắc, đó là sự kiện ở phần cuối phim, khi Thanh – con riêng của Quang và vợ cũ Ngân – vốn là cô bé ương bướng, luôn chống đối mẹ kế, tình cờ phát hiện ra mình không phải là con đẻ của Quang, rằng trước khi Ngân lấy Quang, cô đã có thai với một gã tình nhân và Thanh chính là con của gã tình nhân đó. Sự thật khiến Thanh choáng váng, bởi cô bé nhận ra, cả Quang và Quyên hoàn toàn không có liên quan máu mủ gì với cô, nhưng họ lại yêu thương chăm sóc cô hơn cả con đẻ của họ, và bất ngờ hơn nữa, là Quyên cũng đã biết sự thật đó từ lâu, nhưng tình cảm của cô với Thanh không hề thay đổi. Khi Thanh gặp Quyên và hỏi “Vì sao cô đã biết sự thật mà vẫn yêu thương cháu?” Quyên trả lời “Với cô chỉ có một sự thật, cháu là con của cô, con của bố Quang”.

Trong khi đó, mẹ đẻ Thanh, tức Ngân, chỉ dùng con gái như là phương tiện để khống chế cả gã tình nhân cũ – tức bố đẻ của Thanh – và khống chế cả Quang  và Quyên, để đòi quyền lợi. Thanh kinh hoàng trước âm mưu của mẹ đẻ, và lần cuối đứng trước Ngân, khi Ngân gọi “Con ơi” thì Thanh đáp rằng “Đừng gọi tôi nữa, tôi có mẹ rồi”.

Ngân (diễn viên Kiều Thanh) là nhân vật duy nhất bị trừng phạt, bởi cô là nhân vật duy nhất không biết đến tình yêu, ngay cả tình yêu với con gái mình. Cô dùng con gái như là phương tiện để trục lợi mà thôi. Và, không có sự trừng phạt nào nghiêm khắc hơn, nặng nề hơn là một người mẹ bị chính con đẻ của mình từ chối.

Tóm lại, biên kịch hay đạo diễn hay mọi thành phần khác làm nên bộ phim, đều tâm đắc và dốc hết tâm lực vào tác phẩm, nhưng hiệu quả cuối cùng là đến với khán giả thế nào, được đón nhận tới đâu, lại vượt ra ngoài khả năng của họ.

Hạnh phúc không có ở cuối con đường đang được phát sóng vào 20h45 thứ Năm, thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV1. 

Học Triết học tại Đại học Tổng hợp Bratislava – Slovakia (Tiệp Khắc cũ) nhưng Đỗ Trí Hùng được biết đến như là một tay biên kịch trứ danh. Nếu anh từng thú nhận “khởi đầu tôi viết chỉ vì tiền” thì trong sự nghiệp của mình, anh đã làm được hơn thế rất nhiều khi là tác giả kịch bản của rất nhiều bộ phim truyền hình đình đám như Những người săn lùng cái đẹp, Chuyện vặt gia đình, Năm ngày làm thượng đế, Đi tìm ngôi sao… Sự kết hợp của cặp bài trùng nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng và đạo diễn NSND Khải Hưng dường như lần nào cũng để lại tiếng vang rất lớn, sau các chương trình nhận được sự yêu mến như: Văn nghệ chủ nhật, Gặp nhau cuối tuần.., bộ phim “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” lần này khi cả 2 cùng “thai nghén” đem đến cho khán giả cái tình rất riêng của một góc nhìn đồng điệu và những triết lý nhân văn từ phim ảnh bước vào đời sống.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triết lý “vì mẹ là mẹ chồng em” qua lăng kính của biên kịch Đỗ Trí Hùng