Triển khai xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng Hà Nội sẽ hết “khát”?

Tống Toàn| 30/10/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cùng với việc vừa khởi công tuyến ống nước sông Đà giai đoạn 2 thì dự án nhà máy nước mặt sông Hồng sắp triển khai sẽ cung cấp cho người dân thủ đô có nguồn nước đảm bảo, tránh nhiều khu vực bị thiếu nước sạch triền miên…

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt tại Hà Nội đã tạo áp lực lên kết cấu hạ tầng ít thay đổi của thủ đô. Trong đó, đáng chú ý, mặc dù nước sạch là sự sống còn, không thể thiếu đối với mỗi con người nhưng chưa được coi trọng. Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội cấp thoát nước Việt Nam, thời gian qua, nắng nóng kéo dài, nhu cầu về  nước của người dân tăng vọt. Trong khi đó, lượng nước cấp cho Hà Nội không như trước do đường ống sông Đà bị vỡ nhiều lần phải giảm công suất. Một số khu vực bị thiếu nước kéo dài nhiều ngày chưa từng có trong nhiều năm qua.

Cũng theo ông Hưng, từ năm 2007 đến nay, ngoài nước sông Đà, thành phố không đầu tư thêm nguồn nào khác. Trong khi đó, dân cư khu vực Tây Nam thủ đô  phát triển nhanh cộng thêm việc mở rộng địa giới hành chính, thành lập quận mới… khiến nhu cầu nước tăng cao. Vì vậy, Hà Nội sẽ tiếp tục thiếu nước trong thời gian tới phụ thuộc việc khắc phục đường ống nước sông Đà. Các nhà máy cần tăng công suất phân phối đến người dân, bố trí xe stec để cung cấp nước cho khu vực cuối nguồn. Thành phố cũng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xây mới nhà máy nước, nâng công suất các nhà máy nước cũ.

Triển khai xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng Hà Nội sẽ hết “khát”?

Một công đoạn làm nước sạch

Trước đó, ngày 1/10/2015, TP. Hà Nội đã có văn bản đề xuất Thủ tướng cơ chế đặc thù xây dựng cấp bách tuyến đường ống truyền dẫn từ Quốc lộ 21 về đường Vành đai 3 với công suất khoảng 60.000 đến 70.000m3 ngày đêm, kinh phí 864 tỷ đồng để ứng cứu cho tuyến số 1 sông Đà. Lý giải về đề xuất trên, thành phố Hà Nội cho rằng từ năm 2012 đến nay, đường ống số 1 sông Đà đã 15 lần gặp sự cố vỡ ống khiến hàng nghìn hộ dân các quận, huyện Bắc, Nam Từ Liêm; Đống Đa... bị thiếu nước sinh hoạt, thậm chí phải cấp nước luân phiên và cấp bằng xe stec. Ngay sau đó, Vinaconex đã khởi công dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Đông giai đoạn 2. Tổng chiều dài tuyến ống nước sông Đà giai đoạn 2 là 46,7 km, tuy nhiên Vinaconex sẽ tập trung làm trước 21km đoạn đi trên trục Đại lộ Thăng Long. “Đây là đoạn tuyến ống số 1 hay bị vỡ nên sẽ ưu tiên làm trước để khi có sự cố, tuyến ống số 2 có thể hỗ trợ nhằm đảm bảo cung cấp nước ổn định cho nhân dân”, một lãnh đạo Vinaconex cho biết. Thời gian dự kiến hoàn thành thi công 21km tuyến ống số 2 sẽ vào ngày 30/5/2016.

Đồng thời, ngày 24/10/2015 vừa qua, thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng. Nhà máy nước này có tổng vốn đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng, trong giai đoạn 1 sẽ có công suất 300.000m3/ngày; đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân các quận nội thành và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc khu vực phía Tây đường Vành đai 3, phía Bắc quốc lộ 32 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn I vào năm 2018 và giai đoạn II vào năm 2020.

Chiều 27/10/2015, tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án có quy mô 20,5 ha do Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư. Nguồn vốn đầu tư sử dụng vốn của doanh nghiệp, vốn vay và vốn huy động hợp pháp theo quy định. Theo ông Dục, hiện tại Hà Nội mới có một nhà máy nước mặt sông Đà, cung cấp nước sạch cho các quận, huyện khu vực phía tây của Hà Nội. Vì thế, Nhà máy nước mặt sông Hồng là hướng thứ hai cung cấp nước sạch cho các khu vực trung tâm của thành phố.

Trao đổi với PV, ông Dục cho biết, để tránh tình trạng vỡ ống nước liên tục như đường ống nước sạch sông Đà do Vinaconex đầu tư, dự kiến sẽ lựa chọn chất liệu đường ống bằng gang dẻo cho việc truyền dẫn nước mặt sông Hồng. Đồng thời, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ thực hiện việc xem xét phê duyệt từ thiết kế kỹ thuật đến giám sát chặt chẽ trong thi công.

Có thể nói, đường ống nước sông Đà cấp nước cho gần trăm nghìn hộ dân thủ đô liên tục gặp sự cố thì việc đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sử dụng nước mặt sông Hồng được Hà Nội thông qua sẽ giải quyết áp lực thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn. Nhận xét về việc này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện lượng nước ngầm của Hà Nội đã cạn, nếu tiếp tục khai thác công suất lớn sẽ khiến nước mặn xâm nhập. Vì thế, việc khai thác nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng và có thể cả sông Đuống là hướng đi đúng đắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng Hà Nội sẽ hết “khát”?