Triển khai thi hành Luật TTHC sửa đổi (Kỳ 1): Sự khác biệt giữa Luật TTHC với Luật TTHS, TTDS

Trần Văn Tú (Nguyên Phó Chánh án TANDTC)| 09/07/2015 16:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Muốn triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đạt hiệu quả, phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc những nội dung của Luật, đặc biệt là những nội dung mới (sửa đổi) so với Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) hiện hành.

Báo Công lý xin giới thiệu loạt bài của tác giả Trần Văn Tú, nguyên Phó Chánh án TANDTC về một số vấn đề cần quan tâm khi triển khai thi hành Luật TTHC (sửa đổi).

Việc so sánh giữa LTTHC với LTTHS, dân sự để tìm ra sự khác biệt giữa các luật đó là cần thiết. Chính đặc thù khác biệt của LTTHC là thể hiện bản chất của TTHC.

Quan hệ hành chính là quan hệ giữa một bên có quyền ra các mệnh lệnh (quyết định hành chính, hành vi hành chính) với một bên là người phải thi hành các mệnh lệnh đó (phục tùng). Vì vậy, khi người phải thi hành các mệnh lệnh (quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính) nghĩa là người phục tùng, không đồng ý với mệnh lệnh, họ khiếu kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích của họ, luôn luôn với tư thế của người yếu thế hơn so với người bị kiện. Đây là cốt lõi của quan hệ hành chính, chi phối các quan hệ trong hoạt động tố tụng. Nội dung này khác biệt so với tố tụng hình sự, TTDS, ở chỗ:

+ Trong TTHS, nhà nước mà đại diện là Viện kiểm sát có quyền truy tố người phạm tội ra trước Tòa án, nên người  truy tố luôn luôn ở vị thế của người mạnh thế hơn so với người bị truy tố người phạm tội).

+ Trong TTDS người khởi kiện (nguyên đơn) và người tham gia tố tụng luôn luôn ngang bằng nhau về quan hệ trong xã hội (không có ai mạnh  thế hơn so với người kia).

Triển khai thi hành Luật TTHC sửa đổi (Kỳ 1): Sự khác biệt giữa Luật TTHC với Luật TTHS, TTDS

TANDTC tổng kết thi hành Luật TTHC năm 2010 và đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi)

Chính vì sự khác biệt này, nên nghĩa vụ chứng minh, thu thập, cung cấp chứng cứ với các quan hệ tố tụng cũng khác nhau. Đối với TTHS, nghĩa vụ chứng minh, thu thập, cung cấp chứng cứ là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố….); Trong TTDS, nghĩa vụ chứng minh, thu thập, cung cấp chứng cứ là trách nhiệm của các đương sự ( nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) hay nói khác thì nghĩa vụ chứng minh, cung cấp, thu thập chứng cứ là trách nhiệm của những người tham gia tố tụng. Trong khi đó TTHC, nghĩa vụ chứng minh, cung cấp, thu thập chứng cứ thì trách nhiệm chủ yếu phải là của người bị kiện. Bởi vì, người bị kiện muốn bảo vệ quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện thì họ phải chứng minh, cung cấp, thu thập chứng cứ để chứng minh rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khởi kiện là đúng pháp luật.

Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh và người bị kiện có quyền đưa ra những bằng chứng, lý lẽ về yêu cầu khởi kiện của họ. Chính từ nguyên tắc chứng minh sự thật khách quan của vụ án hành chính nêu trên, chi phối toàn bộ quyền và nghĩa vụ của các đương sự khi họ tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tiến hành TTHC. (Trong TTHC, thì người tiến hành tố tụng bao gồm Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên; trong TTDS người tiến hành tố tụng là Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên; trong TTHS người tiến hành tố tụng là Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Điều tra viên.)

Thi hành LTTHC (sửa đổi) còn đòi hỏi phương pháp thi hành phù hợp với đặc thù của TTHC. Xuất phát từ các đặc thù mang tính bản chất của TTHC nêu trên, do đó thi hành LTTHC cũng cần thiết phải có phương pháp riêng. Cụ thể là:

+ Trước hết, phải có kiến thức, am hiểu sâu sắc về hệ thống cơ quan hành chính các cấp, bao gồm các nội dung về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp cơ quan hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Hiểu biết về các nội dung này, sẽ giúp cho Thẩm phán, Hội thẩm nắm vững cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền như thế nào trong mối quan hệ với người khởi kiện, để từ đó có cơ sở pháp lý vững chắc khi áp dụng các quy định của LTTHC.

+ Thứ hai là cần tìm hiểu kỹ quy trình, thủ tục ban hành quyết định hành chính, hoặc hành vi hành chính của các cơ quan hành chính các cấp, và những người có thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các cơ quan hành chính các cấp.

+ Thứ ba là thường xuyên cập nhật về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương để từ đó có những dự báo về tình hình diễn biến các quyết định hành chính, hành vi hành chính có chiều hướng tác động đến cư dân của địa phương, qua đó dự liệu những vụ án hành chính có thể xảy ra; Ví dụ như các địa phương có những địa bàn thu hồi đất để làm đường, xây dựng khu công nghiệp, hoặc thu hồi đất vì mục đích khác, tất yếu sẽ phát sinh khiếu kiện về đất đai, đương nhiên sẽ có những vụ án hành chính về lĩnh vực này.

Với các phương pháp nghiên cứu, vận dụng thi hành Luật tố tụng nêu trên, không những sẽ giúp cho Thẩm phán, Hội thẩm có những hiếu biết, kiến thức về cơ quan hành chính, để từ đó là cơ sở pháp lý xác định địa vị pháp lý của họ khi họ tham gia tố tụng hành chính. Đồng thời, cũng với các phương pháp này, còn là những cơ sở pháp lý nhằm giúp Thẩm phán, Hội thẩm vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai thi hành Luật TTHC sửa đổi (Kỳ 1): Sự khác biệt giữa Luật TTHC với Luật TTHS, TTDS