Triển khai kiểm tra nồng độ cồn lái xe trước khi xuất bến

T.Nhi| 16/10/2019 14:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 70% người dân sau khi uống rượu bia vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông. Đây là nguyên nhân khiến số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vì bia rượu chiếm tỉ lệ hàng đầu.

Sáng nay 16/10, tại Hội nghị triển khai Luật Phòng chống tác hại của rượu, đại diện Bộ Y tế đã đưa ra nhiều nội dung mới rất quan trọng trong  việc đảm bảo an toàn giao thông.

Có thể kể tới một số nội dung như: Cấm người lao động sử dụng rượu bia trong giờ làm việc cũng như giờ nghỉ trưa; Chủ kinh doanh vận tải cần có biện pháp để ngăn ngừa, ngăn chặn người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông. Trong tương lai có thể yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải có thiết bị thổi nồng độ cồn trước khi lái xe xuất bến...

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết chế tài đối vi phạm nồng độ còn cho tất cả các phương tiện đường bộ bao gồm cả xe đạp, xe thô sơ đã được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt đối với lái xe vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn và các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông.

Dự kiến, nghị định sửa đổi này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020 cùng với thời điểm Luật phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực.

minh-hoa

Ảnh minh họa. Nguồn TTVH

Thực tế, mức tiêu thụ rượu bia, tỷ lệ sử dụng rượu bia, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở mức có hại ở Việt khá cao. Bình quân nam giới Việt Nam trong một năm tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 29 thế giới. Tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng rượu bia cũng ở mức báo động.

Mặc dù nguồn lợi kinh tế thu được từ ngành hàng này rất cao 50.000 tỷ đồng/năm nhưng tổn thất về kinh tế do rượu bia cũng chiếm đến 1% GDP. Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.

Thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy mỗi ngày tai nạn giao thông vẫn cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng. Đơn vị này cũng chỉ ra 70% người dân sau khi uống rượu bia vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông. Đây cũng là nguyên nhân khiến số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vì bia rượu vẫn còn chiếm tỉ lệ hàng đầu; đồng thời thể hiện sự thiếu hiệu quả trong công tác kiểm tra xử lý của các lực lượng chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai kiểm tra nồng độ cồn lái xe trước khi xuất bến