Một dự án của Google có tên Magenta được phát triển dựa trên hệ thống trí tuệ nhân tạo, cho phép nó có thể tiến hành tạo ra một tác phẩm như bản nhạc.
Nhưng không chỉ bản nhạc, Magenta cũng có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật khác, mà cụ thể là bức tranh được phác họa và tô màu dựa trên bức ảnh thật.
Một thành quả đạt được trong hoạt động sáng tác nghệ thuật đến từ dự án Magenta
Mới đây Google đã trình diễn những thành quả đầu tiên mà Magenta thực hiện, bao gồm một đoạn nhạc ngắn cũng như một bức tranh dựa vào bức ảnh chụp chân dung khác. Kết quả dù chưa thực sự ấn tượng, với bản nhạc đơn giản và bức tranh vẽ chưa đẹp mắt, nhưng rõ ràng đây là một điều đáng tự hào nữa của Google đối với ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo.
Dự án Magenta được phát triển bởi nhóm Google Brain, dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo TensorFlow. Mục đích của dự án này chính là sáng tác nghệ thuật và âm nhạc. Nội dung sau đó sẽ được xuất bản đến cộng đồng thông qua Github. Điều này khác với bộ phận DeepMind phát triển máy chơi cờ vây AlphaGo mới đây.
Một thành viên làm việc trong nhóm Google Brain cho biết họ sẽ sớm xuất bản các văn bản hướng dẫn và tài liệu kỹ thuật liên quan đến những công việc mà mình đã làm được với Magenta, giúp công chúng hiểu được hơn về kế hoạch đầy táo bạo của công ty.
Dự án Magenta bao gồm hai mục tiêu được Google hướng đến, trong đó hoạt động sáng tác nghệ thuật và âm nhạc là ưu tiên hàng đầu. Nền tảng AI TensorFlow được sử dụng trong Magenta là một máy học có thể để hiểu được ngôn ngữ tự nhiên của con người giúp tạo ra một tác phẩm nghệ thuật dựa trên những gì mà nó nhận ra.
Một mục tiêu khác mà Magenta hướng đến chính là xây dựng một cộng đồng, nơi các nghệ sĩ, nhà lập trình hay nghiên cứu trí tuệ nhân tạo có thể tìm hiểu thêm về dự án. Để phục vụ mục tiêu này, nhóm Brain sẽ cung cấp cho giới nghệ sĩ và nhạc sĩ công cụ riêng, mặc dù không rõ rằng liệu công cụ có giúp được gì nhiều cho kế hoạch của Google hay không.