Sau 2 tháng trì hoãn vì dịch Covid-19, khối u trong miệng ông T. to nhanh, chồi ra khỏi miệng và bắt đầu hoại tử.
Ngày 8/7, thông tin từ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, bệnh nhân là Đ.V.T. (nam, 62 tuổi), trú tại Đông Anh, Hà Nội được phát hiện khối u tại vùng miệng trong đúng giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải trì hoãn điều trị.
Cuối tháng 6, bệnh nhân đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trong tình trạng khối u phát triển to, sùi loét, hoại tử, gây biến dạng khuôn mặt kèm khó thở nhẹ khi u lan lên mũi, không nói được.
Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư biểu mô vảy, có khẩu cái cứng kích thước khoảng 8x10 cm, xâm lấn hốc mũi, lợi hàm, xương hàm trên. Khối này còn phát triển, đè đẩy vào khoang miệng, hạch cổ 2 bên với kích thước khoảng 2 cm.
BS Trần Quang Kiên - Khoa Xạ trị theo yêu cầu (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội) - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, sau khi xử trí tình trạng nhiễm trùng của khối u, bệnh nhân được xạ trị triệu chứng, giảm đau, chống chảy máu.
Sau 10 buổi xạ trị, bệnh đáp ứng tốt, khối u giảm kích thước 70%, tiên lượng khả quan.
Bệnh nhân hiện có thể nói chuyện, ăn uống dễ dàng hơn, hết khó thở và sẽ tiếp tục được điều trị theo phác đồ của bệnh viện nhằm mục tiêu tăng thời gian sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông T. chia sẻ, bản thân có tiền sử hút thuốc lá, uống rượu lâu năm và từng có khối u vùng khoang miệng đã phải phẫu thuật vào năm 2020. Sau đó, bệnh nhân không tái khám theo hẹn của bác sĩ.
Khi phát hiện khối u tái phát đúng giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ông T. đã trì hoãn việc điều trị. Chỉ chưa đầy 2 tháng, khối u vùng miệng của ông T. đã phát triển to lên nhanh chóng, sùi loét, hoại tử, gây biến dạng gương mặt.
Theo BS Kiên, ung thư khẩu cái cứng là loại ung thư không thường gặp, chiếm 1,3% ung thư hốc miệng, chủ yếu ở nam giới trên 60 tuổi. Không giống với các ung thư vùng đầu cổ khác, bệnh nhân có thể tự nhận thấy được những bất thường.
Triệu chứng phổ biến nhất là vết loét trên vòm miệng. Khi khối u phát triển, vết loét có thể chảy máu. Một số triệu chứng khác của bệnh bao gồm: Hơi thở có mùi, răng bị lung lay hoặc đau quanh răng, tiếng nói bị thay đổi, khó khăn khi nuốt, khó cử động hàm, xuất hiện một khối u ở cổ...
Ung thư khẩu cái cứng thường được phát hiện là một ung thư nguyên phát trong khoang miệng. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong thời gian dài và những nguyên nhân thường liên quan đến việc sử dụng thuốc lá, bia rượu, virus, vệ sinh răng miệng…
Các bác sĩ khuyến cáo, khi có bất kỳ nghi ngờ gì về các vấn đề trong khoang miệng, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu ung thư được chẩn đoán sớm, việc điều trị có cơ hội thành công cao hơn.