Tri ân ngọn lửa nhiệt huyết của những người thầy

Minh Anh| 20/11/2022 09:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 20/11 hàng năm đã được chọn là ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm thể hiện sự trân trọng, tri ân và tôn vinh của toàn xã hội đối với nhà giáo, nghề giáo. Thầy cô chính là những người truyền lửa, truyền cảm hứng, khơi dậy sự hăng say của học trò, luôn muốn “đưa môn học vào cuộc sống, chứ không phải đưa vào đầu, viết vào bài thi và thi xong là quên”.

Cuộc đời của người thầy như những người lái đò âm thầm lặng lẽ là vậy mà cũng thật thanh cao! Chẳng phải cha nhưng con vẫn gọi là Thầy, chẳng cùng họ những vẫn gọi là Cô.

Vì cha là người sinh thành ra con, nhưng Thầy là người chèo đò đưa con cập bến. Người vẫn ngày đêm miệt mài bên trang giấy trắng chính là gửi gắm cả tâm huyết, chứa chan tình yêu thương cao cả của thầy cô, từng giọt bụi đời viết lên chính là hạt phấn kết tinh kiến thức cho con, là hành trang theo con suốt cả cuộc đời.

cogiao_haxy.jpg
Thầy cô giáo luôn được ví như người cha, người mẹ thứ hai của mỗi học sinh.

Chính vì thế mà khi cất lên hai tiếng thầy cô - thiêng liêng cao cả đến làm sao! Thầy cô - tiếng gọi thân thương ấm áp luôn đọng mãi trong kí ức của mỗi học sinh. 

Ngày 20/11 hàng năm đã được chọn là ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm thể hiện sự trân trọng, tri ân và tôn vinh của toàn xã hội đối với nhà giáo, nghề giáo.

Cả nước hiện có gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, có 456.155 giáo viên mầm non; 957.341 giáo viên phổ thông; 76.576 giảng viên đại học; 83.959 giáo viên thuộc khối giáo dục nghề nghiệp.

Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng lớn mạnh, chất lượng không ngừng được nâng cao. Hầu hết cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục và đào tạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề; luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo.

Nhiều thầy cô giáo không ngại khó khăn, thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, ngày ngày bám bản, bám làng để gieo con chữ cho các học trò vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

vu-dt-4.jpg
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời sẽ lại có những người thầy, người cô dìu dắt ước mơ, để lại những ấn tượng sâu sắc, có ảnh hưởng nhất định đến bản thân.

Các thầy cô với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đã tích cực, chủ động, tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy học, góp phần quan trọng vào đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.

Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ. Đời sống của nhà giáo, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, một bộ phận nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay…

Trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo các cấp học. Nhờ đó, quy mô và chất lượng đội ngũ nhà giáo nói riêng, chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung ngày càng được nâng cao, có những mặt tiến bộ vượt bậc.

Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

gng8-16688540140591303124458-1668884150133709902047.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh: VGP.

Nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục - đào tạo đã được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, đóng góp hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tri ân ngọn lửa nhiệt huyết của những người thầy