“Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Búp trên cành mơn mởn, tươi non, đẹp đẽ, lá cành sum suê trong tương lai nhưng dễ bị gãy, dễ bị tổn thương nên phải nâng niu, chăm sóc. 80 năm qua, lời thơ, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là trong giai đoạn cách mạng 4.0.
Những “sợi dây vô hình”
Mỗi người sinh ra và lớn lên đều có một gia đình và đồng thời chịu ảnh hưởng của ba môi trường giáo dục chính là: Gia đình, nhà trường và xã hội. Có thể xem ba môi trường ấy là cái nôi nuôi dưỡng, tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ em, trong đó gia đình là cơ sở, là nền tảng quan trọng có tính chất quyết định nhân cách của các em trong quá trình trưởng thành. Vì thế, ánh mắt đầu tiên của trẻ là cái nhìn về cha mẹ, âm thanh đầu tiên tiếp nhận là âm thanh từ cha mẹ, ông bà, anh chị... là âm thanh của gia đình.
Trong vòng tay của cha mẹ và gia đình, các em được nuôi dưỡng bằng những giá trị vật chất và tinh thần. Theo năm tháng, các em dần lớn lên hoàn thiện về nhân cách. Trên những bước đường trưởng thành, những ký ức của tuổi thơ luôn đọng lại theo chân các em trên mỗi hành trình, mà ở đó có thể là ký ức buồn- vui, hoặc êm đềm ngọt ngào trong vòng tay yêu thương của gia đình… tất cả đều trở thành hành trang, động lực giúp các em vươn lên, quyết tâm hơn trên mỗi bước đi của cuộc đời mình.
Yêu thương con là tình cảm tự nhiên, thiêng liêng nhất của cha mẹ. Có điều mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu thương khác nhau. Nhưng những bao biện rằng, lo cho con đủ đầy ăn học, thậm chí hy sinh cả cuộc đời cho con vậy mà chúng vẫn thờ ơ, hư đốn, trầm cảm…, phải chăng chính người lớn đã yêu thương con sai cách.
Nhìn cảnh con thèm thuồng món đồ chơi của trẻ hàng xóm, lòng cha mẹ xót xa. Rồi nghĩ về tương lai, cha mẹ nào cũng mong con được học hành trong môi trường học tập tiện nghi, đầy đủ. Bởi vậy, họ càng cố gắng nỗ lực, bươn chải để chăm lo cho cuộc sống của con vẹn toàn hơn. Họ đáng được trân trọng và cảm thông.
Nhưng liệu vật chất đủ đầy, bớt thiếu thốn có đáng giá bằng đời sống tinh thần của các con. Trẻ không chỉ cần đủ ăn, đủ mặc, học hành tới nơi tới chốn mà còn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, sẻ chia của cha mẹ.
Hôm nay ở lớp con có chuyện gì vui không? Việc học của con gặp khó khăn gì? Con đã làm hòa với bạn sau vụ giận hờn ấy chưa?... Có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống thường nhật của con cần được bố mẹ hỏi han, lắng nghe. Nhưng đôi lúc chúng ta vì quá bận rộn, quá mải mê công việc nên bỏ qua, lơ là để ý đến con. Dần dần, giữa bố mẹ và con xuất hiện một khoảng cách vô hình khó lấp đầy.
Hành động bằng yêu thương, tấm lòng và trách nhiệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”.
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Tương lai của đất nước có phồn thịnh hay không là nhờ vào thế hệ ấy. Vì vậy, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, tháng hành động vì trẻ em nói chung là thời gian để mỗi gia đình và toàn xã hội nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm mình về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, dù trong điều kiện nào, Đảng, Nhà nước luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư ngày càng tăng cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và toàn xã hội luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tháng hành động vì trẻ em, các cấp ủy đảng, mỗi tổ chức, mỗi người, cả cộng đồng bằng việc làm vụ thể, thiết thực, hãy chung tay, góp sức phấn đấu thực hiện “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”.
Tạo mọi điều kiện để trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn không bạo lực, không bị xâm hại, nhằm tạo ra thế hệ tương lai của đất nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Cùng với mục tiêu thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và chăm sóc trẻ em; khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em có điều kiện vươn lên trong học tập, được hỗ trợ kinh phí chữa trị các bệnh hiểm nghèo, tham gia các hoạt động xã hội, còn cần tạo điều kiện cho trẻ em, đặc biệt trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số được phát triển bình đẳng trong môi trường an toàn và thân thiện.